Số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao tại Anh do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron lây lan mạnh. Nhiều người lần đầu tiên mắc COVID-19, song nhiều trường hợp cho biết họ nhiễm virus lần thứ hai hoặc lần thứ ba. Nhiều người cho rằng một lần mắc bệnh sẽ có miễn dịch lâu dài. Giới chuyên gia đã đưa ra một số lưu ý về cơ chế tái nhiễm virus gây bệnh COVID-19.
Thời gian tái nhiễm
Việc tái nhiễm bất kỳ biến thể nào của SARS-CoV-2 trong vòng 90 ngày được coi là một phần của cùng một giai đoạn mắc. Nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính trong vài tuần sau lần nhiễm đầu tiên thì nhiều khả năng đó là do tác động còn sót lại của lần nhiễm ban đầu. Tuy nhiên, trong trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính sau 90 ngày được tính là trường hợp tái nhiễm.
Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng đối với những người mắc COVID-19 khỏi bệnh, miễn dịch có thể duy trì trong khoảng từ 3 tháng đến vài năm. Như vậy, việc một người nhiễm virus 2 lần trong 1 tháng là rất khó xảy ra, song không hẳn là không thể.
Theo Tiến sĩ William Schaffner, Giáo sư y tế dự phòng và các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), một số người quan niệm rằng sau khi đã mắc COVID-19 thì sẽ được bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 vĩnh viễn, giống như mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, hai loại virus gây bệnh này rất khác nhau. Khả năng bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 sẽ mất dần một cách tự nhiên sau một khoảng thời gian.
Trong một nghiên cứu do trường Y tế cộng đồng Yale công bố vào tháng 10/2021, các nhà khoa học cho rằng những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 mắc bệnh sẽ có miễn dịch chống lại khả năng tái nhiễm trong khoảng 3 đến 61 tháng. Tuy nhiên, nghiên cứu này dựa trên số liệu vào thời điểm biến thể Omicron chưa xuất hiện.
Các nghiên cứu của Anh về biến thể Omicron đã kết luận rằng việc mắc COVID-19 trước đó tạo khả năng miễn dịch yếu, không đủ đế chống lại biến thể mới này.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Imperial College London phát hiện ra rằng biến thể Omicron phần lớn "né" được khả năng miễn dịch sản sinh sau lần mắc trước đó hoặc từ 2 liều vaccine. Làn sóng dịch mới đây nhất tại Anh là do dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng BA.2 có khả năng lây nhiễm cao hơn dòng phụ BA.1 cũng của biến thể Omicron, nhưng không có bằng chứng cho thấy dòng phụ này gây bệnh nghiêm trọng hơn.
Khả năng tái nhiễm Omicron
Vào thời kỳ đầu của làn sóng dịch do biến thể Omicron, Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA) khẳng định một người hoàn toàn có khả năng tái nhiễm Omicron, tương tự cơ chế nhiễm bất kỳ biến thể nào khác của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, cần tiến hành thêm nghiên cứu về khả năng này.
Các viện nghiên cứu tại Đan Mạch đã thực hiện nghiên cứu về việc nhiễm BA.1 và sau đó lại nhiễm BA.2. Trong đó, các nhà khoa học xác định trường hợp như vậy rất hiếm, song hoàn toàn có thể xảy ra. Theo nhóm nghiên cứu, trong số 187 ca tái nhiễm, họ đã xác định 47 trường hợp nhiễm dòng phụ BA.2 sau khi đã nhiễm BA.1. Các ca tái nhiễm này chủ yếu là những người trẻ tuổi chưa tiêm vaccine và đều có triệu chứng nhẹ, không phải nhập viện.
Ông Stephen Griffin, nhà virus học tại trường Y thuộc Đại học Leeds (Anh), cũng cho rằng hiếm có trường hợp nhiễm dòng phụ BA.2 ở người đã từng nhiễm BA.1. Ông nhấn mạnh những người từng nhiễm BA.1 sẽ được bảo vệ trước BA.2, song mức độ bảo vệ không phải là 100%.
Thanh Hương