Những điểm sáng trong phong trào phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế ở Đồng Nai

Những điểm sáng trong phong trào phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế ở Đồng Nai

Phong trào phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu phát triển mạnh mẽ tại các địa phương ở Đồng Nai. Nhiều chị sau khi được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Họ trở thành những điểm sáng, những gương điển hình người dân tộc thiểu số trong phong trào phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương.

Vượt lên hoàn cảnh


Chị Đinh Thị Hồng Hạnh (35 tuổi) là người dân tộc Mường sống tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Từ khi chồng mất (năm 2017), chị Hạnh trở thành nguồn lao động chính nuôi 3 con nhỏ và cha mẹ già. Cuộc sống vốn đã vất vả lại càng ngày càng khó khăn khi chị không có việc làm ổn định. Có những thời điểm, để nuôi cả nhà, chị phải làm những công việc nặng nhọc vốn dành cho đàn ông, ai thuê gì làm nấy để chạy ăn từng bữa cho cả gia đình.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Đinh Thị Hồng Hạnh, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ đã tạo điều kiện cho chị vay 20 triệu đồng. Số tiền này chị Hạnh mạnh dạn mua dê thịt về nuôi để cải thiện kinh tế.

Những điểm sáng trong phong trào phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế ở Đồng Nai ảnh 1Chị Đinh Thị Hồng Hạnh (xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) chăm sóc đàn dê của mình. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Sau một thời gian nuôi dê, từ tiền lãi tích cóp được, chị Hồng Hạnh chuyển qua nuôi vịt cỏ với số lượng lớn. Mỗi lứa vịt, chị chăm từ 3-4 tháng rồi bán. Nhờ chăm sóc tốt, ít dịch bệnh, bình quân chị Hạnh thu được từ 30 đến 40 triệu đồng/đàn vịt khoảng gần 1.000 con, sau khi đã trừ các chi phí. Đây là mức thu nhập tương đối cao tại địa phương. Chị Hạnh còn mở rộng mô hình nuôi vịt và thuê thêm 3 người dân tộc làm việc cho mình, góp phần hỗ trợ những lao động khác tại địa phương.

Nhờ nguồn thu ổn định từ nuôi vịt, kinh tế gia đình Hồng Hạnh đã tốt hơn. Các con của chị được ăn học đầy đủ. Chị Hồng Hạnh đã chủ động xin thoát nghèo. Với mức kinh tế hiện tại và kinh nghiệm trong chăn nuôi, thoát nghèo, chị Hạnh đảm nhận vị trí làm Tổ trưởng tổ phụ nữ dân tộc để giúp đỡ các hội viên đồng bào dân tộc khác trên địa bàn xã có thể cải thiện kinh tế gia đình.

Giúp nhau thoát nghèo

Năm 2018, tại làng dân tộc Chơ Ro xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ, các chị trong Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập Tổ phụ nữ tiết kiệm. Hiện nay, tổ có 30 thành viên. Mỗi tháng, các chị trong tổ tiết kiệm được 300.000 đồng. Khi tham gia Tổ phụ nữ tiết kiệm, những chị em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ vay vốn xoay vòng với mức vay 7,6 triệu đồng và không tính lãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.

Những điểm sáng trong phong trào phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế ở Đồng Nai ảnh 2Nhờ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Mỹ, nhiều chị em dân tộc thiểu số đã có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ chia sẻ: Nhờ nỗ lực phát triển kinh tế, hầu hết gia đình người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đều có kinh tế khá giả và thoát nghèo bền vững. Cả xã chỉ còn vài hộ nghèo, đa số rơi vào các hộ neo đơn, không có nhân khẩu lao động. Điều đáng ghi nhận là không chỉ tập trung phát triển kinh tế cho gia đình mình, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã liên kết với nhau trong các khâu sản xuất để phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập.

Gia đình Bà Mai Thị Bội và gia đình chị Thị Tuyền đều là người dân tộc Chơ Ro tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Hai gia đình chọn hình thức hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế bằng cách một hộ tập trung sản xuất nông sản, chủ yếu là các loại trái cây, hộ còn lại đảm trách nhiệm vụ thu gom, đem phân phối lại cho các chợ đầu mối trái cây. Nhờ sự kết hợp như thế, các loại nông sản vừa được đảm bảo chất lượng lại vừa có đầu ra đảm bảo. Thu nhập của hai hộ đồng thời tăng lên, kinh tế gia đình ổn định.

Bà Lâm Kim Dung thành phố Long Khánh, Đồng Nai chia sẻ, hiện nay đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tích cực liên kết với nhau trong làm ăn kinh tế, phát triển thương hiệu các mô hình như trồng bưởi, mít... Nhờ tích cực học hỏi, áp dụng cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lao động tăng lên đáng kể, thu nhập cũng tăng thêm. Nhiều gia đình là hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên làm giàu, trở thành những hộ gia đình khá giả, thoát nghèo bền vững. Những hộ gia đình sau khi thoát nghèo đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào mình làm ăn, phát triển kinh tế, đặc biệt là với những hộ gia đình có phụ nữ là người dân tộc thiểu số như hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trồng cây, chăm sóc vật nuôi...

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai, tỉnh có gần 190.000 người là dân tộc thiểu số, chiếm 6,1% dân số toàn tỉnh. Với nỗ lực của bản thân cùng sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh, phụ nữ dân tộc thiểu số ở Đồng Nai đang từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc.

Lê Xuân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm