Tác phẩm nghệ thuật của thầy Hùng bằng phấn trắng. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Một tiết học Mỹ thuật sôi nổi và sáng tạo của thầy Lê Mạnh Hùng tại lớp 7A1. Sau khi hướng dẫn cho học sinh những kiến thức cơ bản của bài học, chỉ với viên phấn trắng quen thuộc trên nền bảng đen, dưới bàn tay khéo léo, điêu luyện của mình, thầy Hùng đã dành thời gian để lồng ghép và vẽ các hình biếm họa liên quan đến chủ đề bạo lực học đường, bảo vệ môi trường. Các bức tranh rất sinh động, hài hước, dễ hiểu khiến học sinh thích thú và sôi nổi trả lời các câu hỏi do thầy đặt ra. Qua đó, giúp các em có thêm kỹ năng, kiến thức để tránh xa các tệ nạn xã hội và những thói quen không tốt. Em Nguyễn Đoàn Phương Thảo, lớp 7A1 cho biết: Trước đây, Mỹ thuật không phải là môn học em yêu thích. Tuy nhiên, sau một thời gian được học với thầy Hùng, chúng em không chỉ lĩnh hội được các kiến thức liên quan đến hội họa mà tùy từng chủ đề, các tác phẩm của thầy lồng ghép trong tiết học còn giúp chúng em có thêm kỹ năng để tránh xa hiểm họa từ tệ nạn xã hội; cảm nhận vẻ đẹp của những điều giản dị trong cuộc sống.
Thầy Hùng hướng dẫn các em học sinh môn vẽ. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Em Nguyễn Thị Nhung, học sinh lớp 7A1 chia sẻ: Do điều kiện gia đình, em chưa có cơ hội được đi du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh của quê hương, đất nước. Tuy nhiên, qua bàn tay khéo léo của thầy Hùng, những địa danh nổi tiếng của quê hương Thanh Hóa và trên đất nước Việt Nam như: thành Nhà Hồ, cầu Hàm Rồng lịch sử, di tích Lam Kinh, Vịnh Hạ Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám… hiện ra chân thực, sống động, giúp chúng em cảm nhận được vẻ đẹp và thêm yêu quê hương, đất nước mình hơn. Giới thiệu về cách dạy của mình, thầy Lê Mạnh Hùng cho biết: Mỹ thuật là môn học khơi dậy cho học sinh sự sáng tạo và hướng cho học sinh đến cái đẹp trong cuộc sống. Là một giáo viên dạy vẽ đồng thời là Phó Bí thư Đoàn trường, tôi muốn thông qua các tiết học của mình, ngoài việc truyền tải đến học sinh những kiến thức cơ bản, cốt lõi của bài học, còn truyền tải đến học sinh những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống. Nếu dạy theo phương pháp truyền thống bằng lời, thầy đọc, trò chép, hiệu ứng mang lại đối với học sinh sẽ không cao, học sinh sẽ không hứng thú đối với những vấn đề mình hướng đến. Do vậy, tôi đã nghĩ ra ý tưởng dùng phấn để vẽ những bức tranh mang thông điệp của cuộc sống truyền tải tới học sinh.
Thầy Hùng trong giờ vẽ tranh biếm họa. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN |
Những chủ đề thầy Hùng thường vẽ trong các tiết học mỹ thuật như những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của quê hương, đất nước; làng quê Việt Nam; an toàn giao thông; bạo lực gia đình; bạo lực học đường; bảo vệ môi trường… Để có được những tác phẩm nghệ thuật, ngoài giờ lên lớp, thầy Hùng cũng dành nhiều thời gian lên mạng internet tìm hiểu các cách vẽ khác nhau, làm sao để học sinh dễ hiểu và dễ hình dung nhất. Với mỗi bức vẽ hoàn chỉnh, thầy Hùng không mất quá nhiều thời gian, chỉ vài phút để hoàn thành làm tư liệu minh họa cho học sinh trong mỗi tiết học. Thầy Hùng chia sẻ: Sau khi vẽ xong một tác phẩm, tôi thường hỏi học sinh của mình: ý nghĩa của bức tranh? việc làm đó đúng hay sai? Nếu đặt mình vào tình huống đó, các em sẽ giải quyết như thế nào…? Từ hình ảnh sinh động, các em sẽ trả lời chủ đề của tranh vẽ và thảo luận sôi nổi vấn đề tôi đang hướng học sinh đến. Qua những bức vẽ, tôi muốn truyền tải một thông điệp tới các em học sinh: cái đẹp luôn tồn tại mọi lúc mọi nơi; sáng tạo, nghệ thuật đôi khi bắt nguồn từ những điều đơn giản trong cuộc sống.” Thầy Vũ Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Thống Nhất đánh giá: Thầy Lê Mạnh Hùng là giáo viên trẻ có năng lực với nhiều sáng kiến trong giảng dạy, được đồng nghiệp và học trò quý mến. Năm học 2018-2019, thầy Hùng giành giải Nhất Cuộc thi giáo viên giỏi cấp huyện và chuẩn bị dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Chỉ với viên phấn nhỏ và nền bảng đen, thầy Hùng đã truyền tải cảm hứng yêu hội họa, yêu cái đẹp tới các em học sinh. Qua các bức tranh chủ đề biếm họa, thầy đã hướng các em học sinh đến những điều tốt đẹp và tránh xa các thói hư, tật xấu để có những hành vi đúng trong cuộc sống. Nhà trường luôn tạo điều kiện và bố trí cho thầy phòng riêng để có không gian sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phục vụ công tác giảng dạy. Nói về những dự kiến thời gian tới, thầy giáo Lê Mạnh Hùng cho biết: “Hiện nay học sinh được tiếp cận nhiều thông tin, tuy nhiên hầu hết các em khi được hỏi về mốc lịch sử quan trọng của dân tộc đều không biết. Do vậy, dự kiến thời gian tới, tôi sẽ trau dồi thêm kiến thức về sử học, ghi nhớ những mốc lịch sử quan trọng và nghiên cứu những cách vẽ gần gũi, dễ hiểu nhất để truyền tải các nội dung liên quan. Qua đó, giúp học sinh hiểu được truyền thống dựng nước, giữ nước vẻ vang của dân tộc”.
Khiếu Tư