|
Những người tiền nhiệm của ông Obama có lý do thỏa đáng để tránh Hiroshima. Không ai muốn bị cử tri Mỹ xem là tỏ ra hối lỗi trước một quyết định mà ngay cả bây giờ nhiều sử gia vẫn cho rằng là cần thiết để cứu sống hàng triệu mạng người khác. Quyết định này còn làm dấy lên quan ngại ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Á khác từng phải chịu sự chiếm đóng tàn bạo của phátxít Nhật trong Chiến tranh Thế giới Thứ II.
Tuy nhiên, ông Obama và các phụ tá thân cận nhất của ông ngày càng tỏ ra "khinh thường" điều mà họ gọi là "sự suy xét thông thường" của Washington vì theo họ, chính lối suy nghĩ này đã dẫn đến những chuỗi thảm họa bất tận, từ Chiến tranh Việt Nam tới cuộc chiến ở Iraq.
Trong gần 90 năm qua, chưa có vị tổng thống Mỹ nào tới thăm Cuba. Ông Obama đã làm điều đó. Không có vị tổng thống nào tới thăm Myanmar. Ông đã tới đó hai lần. Hầu như chưa có vị nào thành công trong đàm phán với những giáo sĩ chuyên quyền của Iran. Ông Obama đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran và ông xem đây là một trong những thành tích lớn nhất của ông. Và tại Việt Nam trong tuần này, ông đã dỡ bỏ được lệnh cấm vận vũ khí sát thương kéo dài hàng thập niên qua.
Với mỗi quyết định, những người chỉ trích đều phàn nàn rằng ông Obama đang ban thưởng cho các nhà độc tài và khiến các đồng minh thất vọng. Ông tỏ ra bất chấp những chỉ trích. Và mặc dù ông đã nói rõ rằng ông sẽ không xin lỗi về việc nước Mỹ đánh bom Hiroshima và Nagasaki, song ông cũng sẽ không ngần ngại bày tỏ sự thương cảm trước những thương vong do nước Mỹ gây ra tại những chặng dừng chân của chuyến đi mà những người chỉ trích ông gọi là "chuyến đi hối lỗi".
Các quốc gia châu Á nhìn nhận chuyến thăm của ông Obama tới Hiroshima theo những cách khác nhau. Mặc dù đã có khoảng 40.000-50.000 người gốc Triều Tiên bị thiệt mạng trong hai trận ném bom nguyên tử năm 1945 - nhiều hơn bất kỳ nhóm người không phải gốc Nhật nào - song người Triều Tiên lâu nay không muốn bất kỳ tổng thống Mỹ nào tới Hiroshima, vì lo sợ rằng điều này có thể được diễn giải như một lời xin lỗi cho hành động đã chấm dứt sự chiếm đóng của Nhật Bản tại Triều Tiên.
Ở phạm vi rộng hơn, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác cũng không thấy thoải mái vì cho rằng chuyến đi của ông Obama đồng nghĩa với việc tán thành chiến dịch của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm rũ bỏ những tội lỗi của Nhật Bản thời quá khứ quân phiệt và tiến tới trở thành một quốc gia "bình thường" đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Ông Abe đã tìm cách diễn giải lại lịch sử sao cho giảm nhẹ những hành vi xâm lược thời chiến của Nhật Bản, và trao cho quân đội một số quyền lực nhất định để có thể tham chiến tại nước ngoài. Trong bức thư ngỏ gửi Washington vào tuần trước, một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo và dân sự nổi tiếng ở Hàn Quốc đã viết: "Chúng tôi thấy đáng tiếc khi chính quyền Mỹ tăng cường liên minh quân sự với Nhật Bản trong khi người Nhật đã rũ bỏ trách nhiệm của họ với lịch sử".
Nhà Trắng có vẻ cũng không đếm xỉa đến việc chuyến thăm Hiroshima sẽ được tiếp nhận như thế nào ở Bắc Kinh. Tại các phòng khách ở Washington, người ta thường hay thảo luận chủ đề giữa Tokyo và Bắc Kinh, Tổng thống ưu ái ai hơn. Trong những năm đầu ông Obama làm tổng thống, nhiều người cho rằng êkíp của ông ưu ái Trung Quốc hơn, coi đây là quốc gia châu Á đóng vai trò không thể thiếu trong việc quyết định sự ra đời của một hiệp ước biến đổi khí hậu. Song giờ đây, khi mà cộng đồng quốc tế đã đạt được thỏa thuận khí hậu tại Paris và ngày càng lo ngại trước những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, nhiều người ở Washington coi Tokyo như một ngôi sao đang lên. Michael J. Green, cố vấn kỳ cựu về châu Á dưới thời chính quyền Bush, nói: "Tôi cho rằng kể từ năm ngoái các cuộc tranh cãi đã ngả theo hướng tích cực về Nhật Bản sau khi Trung Quốc xây dựng các đường băng trên Biển Đông".
Trong khi đó, ông Abe đã tích cực thắt chặt hơn nữa liên minh với Mỹ. Những định hướng mới được soạn thảo hồi năm ngoái sẽ liên kết chặt hơn hai quân đội, và năm 2014 đã thông qua luật bí mật quốc gia phần nào nhằm mục đích tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ. Cùng với luật an ninh mới cho phép các lực lượng Nhật Bản can dự vào các sứ mệnh chiến đấu ở nước ngoài, tất cả những động thái này đã giúp ông Abe giành được sự tán thưởng ở Washington. Ông Rhodes cho rằng chuyến viếng thăm Hiroshima "là cử chỉ tỏ ra tôn trọng người Nhật Bản" và quan trọng hơn cả là động thái này sẽ giúp củng cố hơn nữa liên minh Mỹ-Nhật.
Trong khi đó, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích rằng chuyến đi của ông Obama tạo cơ hội cho Nhật Bản mô tả họ như một nạn nhân, chứ không phải là kẻ gây chiến trong Chiến tranh Thế giới Thứ II.
Thậm chí tại Tokyo cũng xuất hiện những ý kiến trái chiều về chuyến đi của ông Obama. Ông Abe kỳ vọng nhận được cú hích chính trị trong khi người dân thường coi đây là cử chỉ thể hiện sự ủng hộ việc giải giáp vũ khí hạt nhân. Song Tokyo không muốn bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi mới về lịch sử, và một số người lo ngại rằng ông Abe có thể bị gây áp lực buộc phải đến thăm Chân Trâu Cảng để đáp lễ. Và mặc dù Nhật Bản công khai cam kết không theo đuổi vũ khí hạt nhân, song quốc gia này cũng quan ngại trước nguy cơ tiềm tàng từ Triều Tiên, và cả từ Trung Quốc trong chừng mực nào đó. Một quan chức cao cấp của chính phủ yêu cầu giấu tên cho biết: "Chúng tôi không muốn chứng kiến chiếc ô hạt nhân của Mỹ bị suy yếu. Chúng tôi không phản đối việc giải giáp, song điều này phải được tất cả các bên thực hiện cùng một lúc".