Nhịp sống "đậm đà" ở làng biển Diễn Châu

Với hơn 20 km đường bờ biển, huyện Diễn Châu có 8 xã bãi ngang, ven biển. Tại nhiều xã ven biển, có nhiều làng thuần ngư, gắn kinh tế, mưu sinh với biển từ gần trăm năm qua. Hiện nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng người dân ở những “miền chân sóng” vẫn lưu giữ được nhịp sống, nét sinh hoạt đậm sắc thái văn hóa của cư dân làng biển.

Ngày mới ra khơi

Ngày mới khởi đầu ở các làng biển dọc các xã Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Hùng… (huyện Diễn Châu, Nghệ An) bắt đầu từ tầm 2 giờ sáng mỗi ngày. Đây là thời điểm ngư dân dậy, chuẩn bị đồ đạc, ngư lưới cụ để thực hiện những chuyến hành trình ra khơi khai thác hải sản gần bờ. Dọc các con đường nối các làng biển ở trong chân đê ra bãi biển, từng tốp ngư dân hối hả bước chân qua những tràng cỏ, bãi cát rồi xuyên rừng phi lao, tất bật khuân vác đồ đạc, í ới gọi nhau cùng ra khu vực tập kết bè mảng.

Tiếng động cơ máy kéo đưa những bè mảng từ khu vực bãi bờ xuống mép nước. Rồi tiếng máy nổ từ hàng trăm chiếc bè mảng cùng khởi động vươn khơi càng khiến cho âm thanh ở biển trở nên sôi động. Khi những ánh đèn tín hiệu gắn trên nóc mũi từng chiếc bè mảng mờ dần ngoài khơi xa cũng là lúc bãi biển trở nên yên lặng. Ở các làng biển, mỗi năm, ngư dân “gối vụ” khai thác hải sản bằng bè mảng đánh bắt cá trích, ruốc biển, sứa, tôm tít, cá bầu… Mỗi mùa kéo dài từ 3 đến 4 tháng.

Khi bình minh ló rạng trên mặt biển, nhịp sống ở các làng biển rộn rã trở lại bởi các hoạt động cào ngao của ngư dân trên bờ biển. Nghề cào ngao chủ yếu dành riêng cho phụ nữ, trẻ em bởi lực lượng đàn ông, trai tráng có sức khỏe đã vươn khơi trên những chiếc bè mảng. Tại các làng biển thuộc các xã Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Hùng, Diễn Thành, Diễn Thịnh… nghề cào ngao là một trong những nghề truyền thống, tạo sinh kế cho hàng ngàn cư dân từ hàng chục năm qua. Ở bãi biển Diễn Châu, khi thủy triều xuống có phổ biến hai loại ngao là ngao giấy và ngao dầu. Hoạt động cào ngao diễn ra vài ba tiếng đồng hồ, người dân sẽ nhanh chóng mang đi bán cho các nhà hàng, quán gió ven biển ở các xã Diễn Thành, Diễn Hải hoặc bán ở các chợ trong làng.

 vna_potal_ron_rang_cua_bien_lach_van_dien_chau_nghe_an_7206139.jpg
Những tốp tàu, thuyền của nghiệp đoàn nghề cá các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc vươn khơi. Ảnh: TTXVN phát

Làng biển tất bật, rộn ràng nhất là từ 8 giờ đến hơn 9 giờ sáng mỗi ngày. Đây là thời điểm hàng trăm bè mảng của ngư dân sau hành trình đánh bắt hải sản vùng lộng (cách đất liền từ 5 đến 10 hải lý) nối đuôi nhau cập bờ, chở nặng hải sản. Trên bờ biển, đông đảo người nhà của ngư dân và tiểu thương đã chờ sẵn để phụ giúp ngư dân khuân vác, vận chuyển hải sản lên bờ, gỡ ra khỏi lưới và phân loại hải sản. Trong khi các bà, các mẹ bận rộn với việc cân đồ, bán buôn hải sản thì các ngư dân là đàn ông, trai tráng lại mải miết với việc lau chùi bè mảng, sửa sang lại ngư lưới cụ để chuẩn bị chuyến ra khơi tiếp theo.

Về các làng biển, du khách không những được trải nghiệm nhịp sống, nét sinh hoạt thường nhật của người dân ở làng biển; chứng kiến sự vất vả của nghề nghiệp quanh năm gắn liền với môi trường sóng nước, mà còn cảm nhận rõ ràng hơn sự thật thà, chịu khó, vẻ mộc mạc, chân chất của ngư dân làng biển. Đặc biệt, du khách cũng có cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa tâm linh độc đáo gắn với biển cả của ngư dân làng biển như nghi thức vẽ mắt cho thuyền bè, nghi thức mở cửa biển, nghi thức cúng thuyền...

Trên con đường đê ngăn mặn, chặn sóng chạy dọc bờ biển qua các xã Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Trung, Diễn Thịnh... của huyện Diễn Châu, du khách dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi mộ nhỏ và vừa, được xây bằng gạch mang dáng hình chiếc thuyền. Đó là những ngôi mộ chôn cất những chú cá Voi, cá Ông bị chết, dạt vào bờ, hoặc trôi trên biển ngư dân bắt gặp trong quá trình vươn khơi trục vớt mang về. Trong tâm thức của ngư dân ở các làng biển, cá Ông, cá Voi là cá thiêng, thần hộ mệnh mang lại may mắn, bình an, sức khỏe, điềm lành cho ngư dân trong những chuyến ra khơi. Do vậy, việc chôn cất cá Ông, cá Voi là một nghĩa cử cao đẹp, thành kính của ngư dân làng biển. Đây là nét đẹp trong văn hóa, tín ngưỡng của cư dân miền biển được trao truyền, gìn giữ từ các đời cha, ông để lại.

Ngư dân Phạm Văn Sỹ, chủ một bè mảng, sinh sống tại làng biển Thái Thịnh, xã Diễn Kim, cho biết: Các ngôi mộ cá Ông, cá Voi khi chôn cất, xây mộ đều có nhiều đặc điểm giống nhau là mang hình chiếc thuyền. Phần mũi thuyền là phần đầu cá Ông, cá Voi luôn quay về hướng biển cả, thể hiện một niềm tin, khát vọng chinh phục biển cả của ngư dân. Đồng thời gửi gắm ước mong cá Ông, cá Voi luôn mang đến sự an yên, sức khỏe, bội thu tôm, cá cho ngư dân mỗi khi ra khơi, tàu thuyền không hỏng hóc, không gặp rủi ro thiên tai.

Tạo nên những sản phẩm đặc trưng, giá trị

Tại tỉnh Nghệ An, nghề đánh bắt hải sản bằng bè mảng là nghề truyền thống của ngư dân nhiều làng biển thuộc hàng chục xã ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai... Tuy nhiên, lượng phương tiện bè mảng tập trung nhiều nhất thuộc về huyện Diễn Châu. Hiện toàn huyện có khoảng 300 bè mảng được bà con ngư dân dùng để đánh bắt ruốc biển, cá trích, sứa, cá lẹp, cá dớp…

vna_potal_ngu_dan_dien_chau_nghe_an_vao_mua_khai_thac_ca_trich_7241331.jpg
Ngoài cá trích, ngư dân còn khai thác các loại cá lẹp, bầu, dớp…được thị trường ưa chuộng. Ảnh: TTXVN phát

Phương tiện bè mảng được ngư dân giúp nhau kết nối trong nhiều ngày. Nguyên liệu mua trên thị trường gồm nhiều cây mét già, thẳng, hàng chục tấm xốp, nhiều thanh gỗ chắc, khung inox, dây cước... Các bộ phận của bè mảng được kết chặt bằng dây cước. Mỗi chiếc bè mảng có chiều dài khoảng 7m, rộng hơn 2m. Bằng kinh nghiệm lâu năm của ngư dân, bè mảng được kết nối chắc chắn, có tải trọng hơn 2 tấn và có thể sử dụng được từ 3 đến 5 năm. Trên mỗi bè mảng có lắp máy công suất từ 20 đến 35CV.

Ngư dân Phạm Văn Sỹ cho biết: Để lắp mới một bè mảng, tổng chi phí lên đến hơn 60 triệu đồng. Trước đây, ngư dân sử dụng tời thủ công để tời (kéo) lưới rất vất vả. Những năm trở lại đây, trên thị trường có bán loại tời bằng thủy lực nên ngư dân đã đầu tư lắp đặt, giải phóng sức lao động và mang lại hiệu quả rất cao trong lao động, khai thác hải sản. Hiện nay, công việc khai thác hải sản của ngư dân ở các làng biển cũng không còn vất vả và gặp nhiều rủi ro vì đã trang bị nhiều thiết bị, máy móc hiện đại; cập nhật được tình hình thời tiết nhanh chóng, liên tục. Công suất máy lớn, khai thác ở tầm cách đất liền hơn 5 hải lý nên chỉ cần hơn 1 giờ đồng hồ là cập bờ.

“Đặc biệt, các ngư dân là chủ các bè mảng đã đầu tư, mua sắm trang bị máy bộ đàm, máy dò hải sản, máy định vị trong quá trình ra khơi nên dễ dàng thông tin, liên lạc được với nhau để chia sẻ ngư trường với bạn nghề và giúp nhau khi gặp sự cố hỏng hóc máy móc”, ngư dân Phạm Văn Sỹ cho biết.

vna_potal_ngu_dan_dien_chau_nghe_an_vao_mua_khai_thac_ca_trich_7241336.jpg
Ngay từ sáng sớm, quang cảnh trên bãi biển đã tất bật khi bè mảng của ngư dân cập bến bờ, ngư dân nhanh chóng luôn tay gỡ cá trích ra khỏi lưới. Ảnh: TTXVN phát

Xã ven biển Diễn Kim có gần 7km đường bờ biển, có cửa biển Lạch Vạn (một trong 6 cửa lạch lớn của tỉnh Nghệ An). Toàn xã có 5 làng biển với 140 bè mảng có công suất từ 24 đến 35CV của các gia đình chuyên khai thác hải sản gần bờ. Trên địa bàn có 2 cơ sở chế biến hải sản quy mô lớn, có khả năng mua hàng chục tấn ruốc, sứa/ngày. Nghề khai thác hải sản vùng lộng bằng bè mảng đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho hàng ngàn người dân, tạo tiền đề để nghề làm muối biển trên địa bàn duy trì.

Ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng hải sản ngư dân các làng biển khai thác gần 4.000 tấn. Bè mảng của ngư dân đánh bắt vùng lộng, chi phí nhiên liệu thấp, cần ít nhân công lao động nên mỗi chuyến ra khơi thường có lãi. Để phát triển, khẳng định thế mạnh kinh tế biển, chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, động viên bà con nhân dân bám biển, vươn khơi.

Xuân Tiến - Hải An

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm