Nhiều trường hợp tìm lại được ánh sáng nhờ nguồn giác mạc nhập khẩu

Nhiều trường hợp tìm lại được ánh sáng nhờ nguồn giác mạc nhập khẩu

Thông tin từ Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ vào nguồn giác mạc nhập khẩu, hàng trăm bệnh nhân bị hỏng giác mạc có cơ hội tìm lại được ánh sáng. Trong bối cảnh nguồn giác mạc hiến tặng ở Việt Nam còn hiếm, đây là giải pháp giúp nhiều người thoát khỏi cảnh mù lòa.

Được các bác sĩ Bệnh viện FV ghép giác mạc thành công, anh Phạm Bá Hồng (36 tuổi, ngụ tỉnh Thanh Hóa) đã tìm lại được ánh sáng sau hơn 30 năm sống trong cảnh mù lòa. Khi mới 3 tuổi, anh Hồng mắc bệnh sởi và sau đó bị hỏng mắt. Không nhìn thấy ánh sáng, nhiều năm qua, anh Hồng phải đẩy xe tạp hóa bán dạo, hát rong mưu sinh. May mắn, anh Hồng được các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí khám và điều trị mắt.

Nhiều trường hợp tìm lại được ánh sáng nhờ nguồn giác mạc nhập khẩu ảnh 1

Giáo sư Donald Tan, thành viên sáng lập Trung tâm Mắt Quốc gia Singapore khám mắt cho bệnh nhân sau ghép giác mạc tại Bệnh viện FV. Ảnh: TTXVN phát

Tại Bệnh viện FV, sau khi thăm khám, bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Trưởng Khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ nhận định, đây là trường hợp khó, mắt của bệnh nhân bị run giật nhãn cầu, không có phương pháp điều trị khả thi ngoài ghép giác mạc. Nhờ nguồn giác mạc nhập khẩu từ Mỹ của Bệnh viện FV, ca phẫu thuật ghép giác mạc cho anh Hồng được thực hiện.

Sau ghép, thị lực của anh Phạm Bá Hồng cải thiện dần. Trong buổi tái khám gần đây, bác sĩ Nguyễn Thị Mai cho biết, mắt anh Hồng đã có thị lực tốt hơn nhiều so với thời điểm sau ghép. Hiện anh đã nhìn thấy được ở khoảng cách 2 mét.

Chia sẻ niềm vui sau khi tìm được ánh sáng, anh Hồng cho hay, mọi sinh hoạt hằng ngày với anh trở nên dễ dàng hơn, đi lại, làm việc đều thuận lợi. Điều anh hạnh phúc hơn cả là được nhìn thấy những người thân yêu của mình, thấy được cuộc sống muôn màu xung quanh.

Ông Vũ Anh Minh (66 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh) được ghép giác mạc nhập khẩu tại Bệnh viện FV do chính Giáo sư Donald Tan, thành viên sáng lập Trung tâm Mắt Quốc gia Singapore (SNEC) thực hiện. Trước đó, ông Minh phải trải qua nhiều năm sống trong cảnh mắt trái bị đau nhức, nhìn mờ, sợ ánh sáng. Đi khám nhiều nơi, các bác sĩ chẩn đoán ông bị rách giác mạc, cần phải ghép giác mạc thay thế mới hồi phục được thị lực. Ba tháng trước, ông Minh được ghép giác mạc. Đến nay, thị lực đã phục hồi hoàn toàn.

Nhiều trường hợp tìm lại được ánh sáng nhờ nguồn giác mạc nhập khẩu ảnh 2Niềm vui của bệnh nhân sau khi được ghép giác mạc từ nguồn giác mạc nhập khẩu. Ảnh: TTXVN phát

Một khảo sát của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, Việt Nam có khoảng từ 200.000 - 300.000 người bị hỏng một bên hoặc có cả hai mắt có khả năng phục hồi thị lực nếu được ghép giác mạc. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, số người chờ được ghép giác mạc luôn dao động từ khoảng 800 - 1.000 người. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, hiện có hơn 2.000 người đăng ký chờ ghép giác mạc. Tuy nhiên, nguồn giác mạc hiến tặng lại vô cùng khan hiếm. Tất cả đều trông chờ vào nguồn giác mạc hiến tặng sau khi qua đời.

Trước thực tế đó, từ năm 2016, Bệnh viện FV đã triển khai dịch vụ ghép giác mạc với nguồn giác mạc nhập khẩu từ các ngân hàng giác mạc của Mỹ. Dịch vụ này đã được Bộ Y tế Việt Nam chấp thuận. Nhờ việc nhập khẩu giác mạc, Bệnh viện FV đã giúp hàng trăm người tìm lại ánh sáng, trong đó có những người đã sống trong mù lòa hàng chục năm.

Đinh Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm