Đại học Bách khoa Hà Nội công bố điểm trúng tuyển (theo thang điểm 10) các ngành Kỹ thuật máy tính, Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin của Bách khoa có điểm trúng tuyển cao nhất là 8,7. Khác với các năm trước, điểm chuẩn năm nay của trường được xác định theo thang điểm 10 dựa trên điểm trung bình các môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển có xét tới hệ số môn chính (hệ số 2), cộng với điểm ưu tiên. Điểm chuẩn được xác định cho từng nhóm ngành, không có sự khác biệt giữa các tổ hợp môn thi.
Đại học Ngoại thương công bố điểm trúng tuyển tại cơ sở phía Bắc từ 23,75 và ở phía Nam là từ 17. Đây là m ức điểm áp dụng đối với học sinh phổ thông học tại khu vực 3. Điểm trúng tuyển giữa các khu vực chênh nhau 0,5 điểm, giữa các nhóm đối tượng ưu tiên chênh nhau 1,0 điểm. Các môn xét tuyển nhân hệ số1, riêng nhóm ngành ngôn ngữ, môn ngoại ngữ nhân hệ số 2.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Quý Trung- TTXVN |
Đại học Công nghiệp có mức điểm trúng tuyển từ 18 điểm trở lên, ngành thấp nhất là Việt Nam học, Quản trị văn phòng (18 điểm).
Trường Đại học Y Hà Nội cho biết điểm trúng tuyển vào trường ngành cao nhất là Bác sĩ Y Đa khoa với mức điểm 27,75. Thấp nhất là ngành Dinh dưỡng và Y tế công cộng với mức điểm 23. Mức điểm trúng tuyển chính thức này không có biến động nhiều so với mức điểm trúng tuyển dự kiến đã được nhà trường cập nhật liên tục trên website những ngày cuối của kỳ nộp đăng ký xét tuyển.
Đại học Kinh tế quốc dân cũng công bố mức điểm chuẩn dao động từ 23 đến 26 điểm. Điểm chuẩn cao nhất là ngành Kế toán với 26 điểm, tiếp đó là Kinh tế quốc tế với 25,75 điểm, Tài chính-Ngân hàng 25,25 điểm, Quản trị kinh doanh và Kinh doanh quốc tế 25 điểm. Ngành thấp điểm nhất là Kinh tế nông nghiệp và Bất động sản với 23 điểm. Với các thí sinh bằng điểm trúng tuyển, trường xét thêm tiêu chí phụ để xác định thí sinh trúng tuyển.
Cụ thể, tiêu chí phụ với ngành Ngôn ngữ Anh và các chương trình định hướng ứng dụng là môn Tiếng Anh, với các ngành còn lại là điểm môn Toán. Theo đó, những thí sinh có điểm bằng đúng mức điểm trúng tuyển, nhưng không đạt yêu cầu điểm số theo tiêu chí phụ cũng sẽ không trúng tuyển. Chẳng hạn, nếu đạt 26 điểm nhưng nếu điểm môn Toán thấp hơn tiêu chí phụ của ngành Kế toán là 8,75 điểm thì thi sinh vẫn không đỗ ngành này. So với năm 2014, mức điểm trúng tuyển vào các ngành của trường Kinh tế Quốc dân tăng trung bình khoảng 2 điểm.
So với một số trường khối Kinh tế như Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân thì Đại học Thương mại có mức điểm chuẩn thấp hơn và không quá chênh lệch giữa các ngành, dao động từ 19,5-22,25. Trong đó, ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là Kinh tế (22,25 khối A và 21,75 khối A1); tiếp đến là Quản trị Kinh doanh (22 điểm khối A và 21,75 khối D1).
Học viện Ngân hàng lấy điểm chuẩn thấp nhất là 21,5 – ngành Hệ thống thông tin quản lý (khối D1); điểm chuẩn cao nhất là ngành Kế toán (A, A1) là 22,75. Các ngành còn lại dao động ở mức 21,75 đến 22,25.
Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố điểm trúng tuyển đợt 1; trong đó, mức điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Sư phạm Ngữ văn 26,75 điểm; tiếp đến là Sư phạm Toán học 25,75. Ngành có mức điểm xét tuyển thấp nhất là Công tác xã hội 16,75 điểm (bao gồm tổ hợp ba môn Ngữ văn, Sử, Ngoại ngữ). Một số ngành khác có mức điểm chuẩn tương đối cao như: Sư phạm Địa lý (26); Sư phạm Vật lý (25,25); Sư phạm Lịch sử (25,5); Quản lý giáo dục (Văn, Sử, Địa) 24,5; Giáo dục Tiểu học 24; Giáo dục đặc biệt 24,5; Giáo dục công dân 24,75…/.