Làm công nhân cũng không được
Đã nộp hàng chục bộ hồ sơ xin việc tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội, nhưng Lê Anh Tuấn, vừa tốt nghiệp chuyên ngành kế toán của trường Đại học Thương mại, vẫn chưa tìm được việc làm ưng ý. Tình trạng như Lê Anh Tuấn khá phổ biến tại các phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội. Nhu cầu về tuyển dụng đối với lao động trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 28% tổng chỉ tiêu, nhưng nguồn cung về lực lượng này lại chiếm hơn 70% hồ sơ tại các phiên giao dịch.
|
Cũng theo bà Liễu, một điểm yếu của lao động trình độ đại học là thiếu kỹ năng. Theo phản ánh của các doanh nghiệp tuyển dụng, phần lớn lao động có trình độ cao đẳng, đại học khi được kiểm tra kiến thức về vấn đề cụ thể thì đều không biết. Thậm chí, trong thời gian thử việc, nhiều cử nhân thao tác kỹ thuật còn lóng ngóng hơn cả công nhân. Do đó, đã có nhiều cử nhân phải xin học thêm các lớp kỹ năng nghề để có thể làm được việc.
“Tỷ lệ thất nghiệp của số sinh viên mới ra trường gia tăng cho thấy sự mất cân đối trong đào tạo, không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Dù đã đẩy mạnh tuyên truyền thời gian gần đây nhưng hoạt động tư vấn cho học sinh phổ thông (HSPT) hiện vẫn chỉ mang tính hình thức, chung chung nên khó cho HSPT lựa chọn ngành nghề”, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư BCH Trung ương Đoàn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao hơn số thống kê của Bộ LĐTBXH, trong đó có cả tỷ lệ sinh viên vừa tốt nghiệp. Cùng với đó là chất lượng việc làm của thanh niên còn thấp. Nguyên nhân đã được chỉ ra là do mất cân đối trong đào tạo, nên Đoàn thanh niên tập trung giải pháp tư vấn hướng nghiệp để học sinh, thanh niên có thể tự tìm ngành nghề phù hợp, qua đó giảm thất nghiệp.
Từ năm 2013, Đoàn thanh niên đã mở rộng việc tư vấn, hướng nghiệp đến tận trường THCS, THPT. “Tuy nhiên, theo khảo sát cho thấy việc định hướng nghề nghiệp chịu sự chi phối từ người lớn nên từ năm 2014, công tác tư vấn, hướng nghiệp mở rộng đến cả phụ huynh. Tuy nhiên, chất lượng tư vấn hướng nghiệp chưa thực sự được tốt. Nhiều nơi vẫn làm theo phong trào. Do đó, để hoạt động tư vấn chuyên sâu, Đoàn thanh niên cần có sự phối hợp, hỗ trợ của chuyên gia Bộ LĐTBXH, trong đó rất cần con số dự báo theo từng ngành nghề để dễ thuyết phục HSPT”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Thu hút doanh nghiệp đào tạo nghề
Trong những năm qua, việc tuyển sinh của các trường nghề gặp nhiều khó khăn do cơ hội vào trường đại học rộng mở. Do đó, để thu hút được học sinh học nghề, các trường nghề gắn đào tạo với “đầu ra”. Muốn vậy, các trường nghề gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Ông Vũ Đức Thuần, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hải Phòng cho biết: “Những năm qua, theo khảo sát của chúng tôi cho thấy thị trường cần nhiều về nghề công nghiệp ô tô, điện công nghiệp và dân dụng. Do đó, chúng tôi đầu tư mở rộng trang thiết bị nghề này và thực tế số lượng học sinh, sinh viên theo học nghề này chiếm hơn 1/2 tổng số học sinh, sinh viên của trường”.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội: Con số sinh viên ra trường thất nghiệp lên tới gần 200.000 người là điều đáng báo động. Nhất là việc đào tạo quá nhiều so với nhu cầu thị trường lao động. Tiếp đến là chất lượng đào tạo không đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động do không đúng ngành nghề. Do đó, Chính phủ quy hoạch lại hệ thống các trường đào tạo, quy hoạch lại ngành, lĩnh vực cần phải đào tạo và dự báo được nguồn chất lượng lao động theo lĩnh vực ngành nghề, theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế xã hội phát triển đến đâu thì đào tạo phát triển đến đó và hệ thống trường quy hoạch lại. |
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, hiện số lao động đạt trình độ đại học trở lên chiếm hơn 40% tổng số lao động có trình độ chuyên môn, trong khi thị trường chỉ cần khoảng 20% đối với nhóm này. Như vậy, cần phân luồng từ ngay trong khi tuyển sinh: Khoảng 40% học đại học, còn 60% học nghề. Có như vậy mới giảm được tỷ lệ thất nghiệp của lao động trình độ ĐH, CĐ. “Hiện tính dự báo thị trường lao động mới dừng ở ngắn hạn, khoảng 2 năm trở lại, nên chưa phù hợp và chưa có tính định hướng cao. Các hoạt động định hướng nghề nghiệp cần dài hạn hơn, để mang tính cảnh báo, góp phần định hướng cho người lao động”, bà Nguyễn Thị Lan Hương khẳng định.
“Thị trường lao động đang đứng trước thách thức lớn khi cuối năm Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), một số nhóm ngành được tự do di chuyển như kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch. Với tình trạng chất lượng lao động Việt Nam như hiện nay thì chúng ta có nguy cơ cao là mất việc làm ngay trên sân nhà. Do đó, Việt Nam sớm nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn chung của ASEAN. Đồng thời, cải thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nhất là việc dự báo nhu cầu lao động, cả về cấp trình độ, cơ cấu và chất lượng, lấy đó làm cơ sở để đổi mới đào tạo", ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định.