Ngày 11/11, nhiều hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 đã diễn ra.
Tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai diễn ra Triển lãm ảnh, giới thiệu đến công chúng hơn 200 hình ảnh, bảng trích, một số hiện vật, nội dung gồm các di sản được UNESCO vinh danh, di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; các di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu, các nhạc cụ độc đáo của các dân tộc tỉnh Gia Lai; những điểm đến được du khách yêu thích.
Với 4 phần được chia theo từng chủ đề, triển lãm đã mang đến cho công chúng cái nhìn toàn cảnh về thiên nhiên, con người Gia Lai; khái quát các nền di sản, di tích của tỉnh. Phần 1 với chủ đề thiên nhiên, con người và di sản văn hóa, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng, “đi du lịch bằng hình ảnh” những danh lam, thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Gia Lai như thác K50, Biển Hồ, hàng thông trăm tuổi, đồi chè xanh mướt… Ở phần 2, 3 của triển lãm, công chúng sẽ có cái nhìn toàn cảnh về hiện vật đồ đá, địa tầng, di vật và kết quả phân tích những mảnh thiên thạch phát hiện tại đây, khẳng định sự tồn tại một cộng đồng cư dân cổ cùng thành tựu văn hóa đầu tiên của loài người từ 800.000 năm trước.
Triển lãm là dịp để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa, thiên nhiên, con người và di sản văn hóa phi vật thể truyền thống đã được vinh danh; các di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh đến với công chúng; giới thiệu về các nhạc cụ độc đáo của các dân tộc tỉnh Gia Lai.
Thông qua triển lãm, tôn vinh, động viên, khích lệ, tăng cường sự đoàn kết trong việc bảo tồn di sản văn hóa Tây Nguyên nói riêng, xây dựng một bức tranh văn hóa truyền thống đa sắc màu của các dân tộc gắn liền với các yếu tố hiện đại trong thời kỳ đổi mới của cả nước nói chung.
Cùng ngày, Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai đã khai mạc, với sự tham gia của 220 gian hàng sản phẩm của hơn 130 đơn vị trong và ngoài tỉnh. Hội chợ diễn ra đến ngày 15/11, tại khu vực đường Anh Hùng Núp, thành phố Pleiku.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp cho biết, hội chợ là cơ hội gắn kết các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, văn hóa và du lịch của tỉnh, quảng bá giá trị văn hóa, ẩm thực vùng miền, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, đặc biệt là không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Qua đó, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng, đối tác, nhà phân phối, tạo cơ hội để các doanh nghiệp củng cố, khai thác thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Tại hội chợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã không chỉ bày bán, giới thiệu sản phẩm, mà còn giao lưu, giải đáp thắc mắc của du khách, kết nối với các đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ; giao lưu học hỏi kinh nghiệm để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Phạm Thị Lệ (du khách đến từ Phú Yên) cho biết, gia đình bà quan tâm những sản phẩm tốt cho sức khỏe từ rừng như: các loại sâm, nấm, trà thảo mộc, các loại hạt như mắc ca, hạt điều. Bà Lệ nhận định, hình thức bắt mắt, chất lượng tốt, giá cả phải chăng, các sản phẩm tại hội chợ không thua gì sản phẩm nước ngoài.
Quang Thái, Hồng Điệp