Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho nông dân và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, qua đó xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Đình Hiệp ở xã biên giới Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) cho biết, xuất phát từ nhu cầu liên kết phát triển nông nghiệp bền vững nên ông đã thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Phương Nghĩa vào năm 2019. Đến nay, Hợp tác xã có 35 thành viên với tổng diện tích 200 ha. Hợp tác xã chuyên nuôi trồng, kinh doanh các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mua bán trái cây, đặc biệt là mặt hàng sầu riêng xuất bán cho các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các siêu thị trong nước.
Ông Nguyễn Đình Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Phương Nghĩa cho biết, Hợp tác xã thành lập nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên của Hợp tác xã, các hộ nông dân ổn định tiêu thụ sản phẩm đầu vào, đầu ra giúp họ yên tâm trong sản xuất, đời sống. Hợp tác xã còn xây dựng môi trường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị bền vững từ tổ chức cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra cho sản phẩm từ đó kiểm soát tốt chất lượng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn VietGap mà Hợp tác xã đã và đang thực hiện cũng như quy trình kiểm duyệt.
Đặc biệt, sản phẩm sầu riêng của Hợp tác xã được đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm và được nước bạn công nhận là một trong những mã vùng trồng của Việt Nam và được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. “Mục tiêu hoạt động của Hợp tác xã là hướng đến sản phẩm an toàn, chất lượng có giá trị cao, bền vững. Trong những năm qua, Hợp tác xã luôn triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng Hợp tác xã ngày càng phát huy hiệu quả trong sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu dồi dào, chất lượng. Đây là hướng đi phù hợp, đúng đắn, tạo động lực quan trọng để Hợp tác xã ngày càng phát triển đi lên”, ông Nguyễn Đình Hiệp cho biết thêm.
Còn Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây điều năng suất, chất lượng cao ở thôn Tân Bình ở xã Bù Nho (huyện Phú Riềng) được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Mục đích hoạt động của Chi hội Nông dân nghề nghiệp này là tập hợp, tạo điều kiện cho các hội viên liên kết, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để làm kinh tế nông nghiệp có hiệu quả, từng bước cho năng suất chất lượng ngày càng cao. Các thành viên cùng nhau thực hiện tốt cách phòng trừ các loại sâu bệnh, chăm sóc tỉa cành tạo tán, trừ cỏ, bón phân... theo kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Văn Bẩy, thành viên Chi hội nông dân nghề nghiệp thôn Tân Bình cho biết, các thành viên cùng nhau liên kết thống nhất áp dụng kiến thức được tập huấn để chăm sóc cây điều, cải tạo vườn năng suất thấp trở thành vườn cho năng suất cao, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho từng hội viên. Trong 3 năm qua, Hội viên Chi hội nghề nghiệp nông dân thôn Tân Bình đã thay đổi nhận thức, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây điều, từ đó đã cho kết quả năng suất thu nhập trung bình đạt từ 1,4 tấn/ha đến 2,3 tấn/ha. Bên cạnh đó, có một số hộ đạt từ 2,5 - 3 tấn/ha. Ngoài ra, Chi hội nông dân nghề nghiệp thôn Tân Bình đã được doanh nghiệp thu mua, bao tiêu sản phẩm hạt điều của các thành viên khoảng 130 tấn/năm với giá thu mua cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg.
Hiện nay, đa số nông dân Bình Phước đã thích ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhiểu mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành và phát triển, đạt hiệu quả. Địa phương chú trọng việc tăng cường tuyên truyền các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình, khích lệ, động viên nông dân thay đổi cách nghĩ, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh để đầu tư phát triển sản xuất.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Bình Phước Phạm Kim Trọng, tỉnh đẩy mạnh và đổi mới hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy phong trào phát triển, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh, giữa các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nhau để đchia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa lớn...
Điển hình thời gian qua, các sự kiện như Hội chợ trái cây và hàng nông sản tại tỉnh Bình Phước; hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân; hội nghị chuyên đề hướng dẫn nông dân về thương mại điện tử và quy trình, cách thức đưa nông sản lên các sàn giao dịch... đã giúp các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
K GỬIH