Nắm bắt nhu cầu của thị trường, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã mạnh dạn đưa nhiều giống gà có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi. Qua đó, ngày càng có nhiều sản phẩm hàng hóa đặc sản được cung cấp ra thị trường, từng bước nâng cao giá trị ngành chăn nuôi và thu nhập của người nông dân.
Tận dụng diện tích đất vườn rộng ở xa khu dân cư, từ năm 2020, ông Nguyễn Tấn Hảo, xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn đã nuôi hơn 1.000 con gà sao thương phẩm. Trong quá trình nuôi ông Hảo luôn tuân thủ rất nghiêm về tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại nên trong quá trình nuôi rất hạn chế bệnh.
Theo ông Hảo, gà sao có nguồn gốc từ gà rừng, có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, nhanh lớn, tỷ lệ sống cao; thức ăn của gà sao phần nhiều là chất thô như lúa, cám gạo, rau, cỏ và một phần thức ăn hỗn hợp… Mỗi con gà sao sau 4-5 tháng thả nuôi có trọng lượng khoảng 2 kg, được bán với giá từ 130-150 nghìn đồng/kg, ông Hảo thu về khoảng 200 nghìn đồng/con.
“Theo tìm hiểu của tôi thì gà sao đã được nông dân tại nhiều tỉnh, thành nuôi và thành công. Hiện tại, gà sao có giá thành cao và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhờ chất lượng thịt thơm, dai. Với những gia đình có vườn rừng rộng thì sẽ rất thích hợp để thả nuôi giống gà này”, ông Hảo nói.
Sau thời gian thả nuôi và thành công với mô hình nuôi gà sao, nhiều người đã đến học hỏi kinh nghiệm của ông Hảo. Nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn, ông Hảo đã đầu tư lò ấp trứng để thuận lợi hơn trong việc nhân giống. Gà sao thường đẻ trứng từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch, gà trưởng thành có thể đẻ sau 6-7 tháng tuổi. Một con gà sao mái có thể cho khoảng 20 quả trứng một tháng và tỷ lệ tăng dần. Gà con sau khi nuôi 1 thời gian có thể xuất bán ra thị trường với giá từ 30 - 60 nghìn đồng/con giống.
Ông Lê Văn Tình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, cho hay: Hiện trên địa bàn xã Bình Hiệp có nhiều hộ dân thả nuôi gà sao thương phẩm và đa số đều thành công. Bên cạnh đó, có nhiều hộ đã đăng kí thả nuôi mới cũng như mở rộng mô hình. Do đó, địa phương đang nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, khách sạn để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm này.
Còn ông Võ Thành Quang, ở thôn thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa lại chọn nuôi gà Mông để phát triển kinh tế gia đình. Gà Mông là giống gà có thân màu đen, lông đen, chân đen, mào đen, thịt đen νà xương cũng đen. Đây là giống gà rất dễ nuôi, ít dịch bệnh. Cũng giống như tất cả các loại gia cầm khác, gà Mông sinh trưởng, phát triển qua các giai đoạn. Đặc biệt ở giai đoạn gà con, cần phải chăm sóc kỹ lưỡng, luôn giữ ấm cho gà. Nguồn thức ăn của gà chủ yếu là lúa, bắp, cám rau xanh, cỏ tự nhiên…s ẵn có tại địa phương, giúp người dân giảm được chi phí thức ăn chăn nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao.
Thịt gà Mông săn chắc, thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, vừa dùng làm thực phẩm, vừa sử dụng làm thuốc quý trong dân gian. Đây được xem là một trong những giống gà thương phẩm quý, được nhiều người ưa chuộng.
“Hiện 300 con gà Mông thương phẩm của gia đình tôi đã được các thương lái đặt mua với giá 130 nghìn đồng/kg. Mỗi con gà có trọng lượng từ 2-2,3 kg, dự kiến tôi sẽ thu về khoảng 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí tôi vẫn có khoảng 40 triệu đồng, với lợi nhuận này sẽ giúp cho gia đình tôi một cái Tết đủ đầy”, ông Quang cho hay.
Nuôi gà Mông là mô hình chăn nuôi mới tại Quảng Ngãi, nhưng đã có hàng chục hộ tham gia, bước đầu đều thành công và cho hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tư Nghĩa Tôn Long Cần cho biết, nhận thấy tiềm năng của gà H’Mông thương phẩm là rất lớn, nên thời gian tới, Trung tâm sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, con giống để những hộ dân có nhu cầu được tham gia chăn nuôi. Từ đó, mở ra hướng chăn nuôi mới góp phần đa dạng mô hình sinh kế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Đinh Hương