Phát triển rừng không chỉ cải thiện môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ sinh kế cho người dân ở vùng đệm. Do đó, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ và trồng rừng, phấn đấu năm 2020 nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 47%.
Ninh Thuận hiện có diện tích rừng, đất quy hoạch phát triển rừng trên 204.200 ha; trong đó, diện tích đất có rừng trên 155.400 ha, diện tích đất chưa có rừng trên 48.790 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 của tỉnh đạt 45,59%. Hiện diện tích đất trống, đồi núi trọc ở các địa phương còn lớn, nhất là khu vực ven biển thuộc các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ hoa hoá và sa mạc hóa cao. Vì vậy, năm 2020, ngành lâm nghiệp tiếp tục đầu tư trồng rừng để phủ xanh đất trống, chống xói mòn và sa mạc hóa.
Theo Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận, để đạt mục tiêu nâng cao độ che phủ rừng theo kế hoạch, tỉnh tiến hành trồng 505 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng 302 ha rừng trồng thay thế, hỗ trợ trồng 561,8 ngàn cây phân tán. Ngoài trồng mới, tỉnh tiếp tục tập trung chăm sóc diện tích rừng trồng đang trong giai đoạn đầu tư thuộc các chương trình dự án phát triển lâm nghiệp bền vững với tổng diện tích trên 1.297 ha; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 3.027 ha và giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 65.987 ha.
Ông Dương Đình Sơn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay, khô hạn đã khiến việc bảo vệ, chăm sóc, trồng rừng ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Để việc trồng rừng đảm bảo đúng kế hoạch, Chi cục kiểm lâm đang tăng cường phối hợp với các đơn vị chủ rừng, địa phương đẩy mạnh quản lý, bảo vệ rừng, lựa chọn giống cây lâm nghiệp thích ứng tốt với khí hậu khô hạn; áp dụng kỹ thuật trồng mới để nâng cao hiệu quả trồng rừng. Hiện các đơn vị chủ rừng đã chuẩn bị cây giống, vật tư, hiện trường cho kế hoạch phát triển rừng và sẽ trồng rừng khi có mưa, thời tiết thuận lợi để cây phát triển.
Các đơn vị chủ rừng tăng cường tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc phát triển rừng, từ đó tích cực tham gia các chương trình, dự án trồng và bảo vệ rừng. Đồng thời, các chủ rừng phối hợp với lực lượng chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, chế biến lâm sản, phá rừng làm rẫy trái phép, tổ chức phối hợp truy quét vùng giáp ranh...; không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, cháy rừng; năm 2020 phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm so với với năm 2019.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện mô hình sinh kế gắn kết với hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm và nâng cao giá trị thu nhập cho người dân thông qua việc sử dụng hợp lý kinh phí đầu tư để triển khai các hoạt động như: mua gia súc chăn nuôi dưới tán rừng, xây dựng hệ thống nước tưới tự chảy, mua giống cây ăn quả có giá trị để trồng xen, phát triển các ngành nghề phục vụ du lịch sinh thái cho người dân sống tại vùng có rừng theo quy hoạch phát triển du lịch.
Thời gian qua, hoạt động trồng rừng, giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng được tỉnh Ninh Thuận chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng gắn chặt với lợi ích, thu nhập của người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Các đơn vị chủ rừng tăng cường tìm kiếm, thử nghiệm nhiều loài cây có khả năng chống chịu với khí hậu khô hạn, cho hiệu quả kinh tế cao như cây điều, keo lai, lim, thanh thất, trôm… để đưa vào trồng.
Hoạt động trồng rừng cũng được đầu tư theo hướng nông lâm kết hợp, các đơn vị chủ rừng tăng cường trồng xen các loài cây phụ trợ, cây ăn quả như mít, bơ, bưởi, mãng cầu, dừa xiêm… trên nương rẫy cũ của các hộ dân. Nhờ đó, nhiều diện tích nương rẫy cũ đã được phục hồi, phủ xanh bằng cây lâm nghiệp, cây đa mục đích thân gỗ lâu năm.
Ninh Thuận còn hỗ trợ sinh kế cho người dân thông qua chính sách giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020. Bình quân mỗi hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng khoảng 30 ha với đơn giá nhận khoán 400.000 đồng/ha/năm. Ngoài ra, tỉnh còn dành các nguồn kính phí mua gạo hỗ trợ các hộ dân tham gia trồng rừng phục hồi trên nương rẫy và bảo vệ rừng dùng vào các tháng giáp hạt.
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều diện tích rừng ở Ninh Thuận được bảo đảm, hạn chế đáng kể việc phá rừng, chiếm đất làm rẫy cũng như nạn cháy rừng hàng năm nhất là tại khu vực giáp ranh với các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Ðồng, Bình Thuận.
Nguyễn Thành