Nhằm mở rộng và tăng cường đưa sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đến với người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã có nhiều giải pháp, trong đó có việc phát triển các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội…
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, sau hơn 3 năm triển khai, OCOP đang dần trở thành thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước đón nhận tích cực. Đây cũng là động lực để các chủ thể OCOP tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tính đến nay, Hà Nội đã 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này có 4 sản phẩm 5 sao; 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Nhằm hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện thương hiệu, năm 2021, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch Hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem nhãn sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội cho các sản phẩm OCOP, cụ thể là Hỗ trợ xây dựng quản lý nhãn hiệu sản phẩm OCOP cho 15 chủ thể đã được thành phố Hà Nội đánh giá phân hạng năm 2020; hỗ trợ thiết kế nhãn sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội (bao gồm thiết kế và in) cho các sản phẩm OCOP… Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP.
Tính đến nay, đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội đi kiểm tra tại 15 quận, huyện, thị xã với 279 sản phẩm OCOP của 32 chủ thể có sản phẩm OCOP đã được thành phố Hà Nội công nhận về việc tuân thủ các quy định về sử dụng nhãn mác, tem sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, các quy định khác có liên quan đến tiêu chỉ sản phẩm.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh và đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng rất cần sự cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp, các chủ thể OCOP từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đến mẫu mã bao bì... từ đó đáp ứng được các tiêu chí đánh giá phân hạng của Hội đồng đánh giá.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm sạch Ba Vì Nguyễn Thanh Vân, công ty có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Năm 2019, doanh nghiệp đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP Hà Nội nhưng vấn đề liên kết với doanh nghiệp bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề đơn giản, dễ dàng.
Theo chia sẻ của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức), Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức chuyên dệt lụa, trong đó có sản phẩm lụa dệt từ tơ sen rất độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với đặc trưng được làm thủ công nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các chủ thể OCOP, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp thành phố. Thông qua đó, giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Để thích ứng với thời đại công nghệ số, Hà Nội đã có rất nhiều sáng kiến nhạy bén trong việc tiếp cận chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên mạng xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số, cụ thể như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phấm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương. Đồng thời, triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân" nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.
Vừa qua, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đã ký kết thỏa thuận với TikTok nhằm mang đến bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện cho Chương trình OCOP của thành phố. Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước sử dụng kênh mạng xã hội TikTok làm kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Văn Chí cho biết thêm, với quan điểm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP một cách đồng bộ từ thành phố đến cơ sở theo đúng quy trình OCOP…, Hà Nội sẽ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp) nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trưởng trong nước và quốc tế, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát về việc duy trì và phát triển chất lượng sản phẩm của các chủ thể sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hình thành chuỗi các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm OCOP Hà Nội ra các tỉnh, thành phố trong cả nước và thúc đẩy xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2025, Hà Nội có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; 20% sản phẩm mới, phát huy sức sáng tạo của các làng nghề, sản phẩm chế biến; đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định; 100% làng nghề được UBND Thành phố Hà Nội công nhận, đã và đang phát triển có chủ thể tham gia Chương trình OCOP, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP.
Thiện Tâm