Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng mức đầu tư cho bảo vệ môi trường

Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng mức đầu tư cho bảo vệ môi trường
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, 6 tháng đầu năm, Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn 10 tỉnh; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, xử lý được gần 20 vụ việc, điểm nóng về môi trường. Bộ thành lập, duy trì thường xuyên Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án Nhà máy giấy Lee&Man Việt Nam, tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra Dự án Nhà máy Bột – Giấy VNT19 tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Công ty kim loại màu Nghệ Tĩnh huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An… Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình khắc phục các lỗi vi phạm và cho phép Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác khắc phục, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra tại các tỉnh ven biển miền Trung.
Chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh Vũ Thị Hà - TTXVN
Chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh Vũ Thị Hà - TTXVN
Theo Báo cáo, năm 2017, ngân sách sự nghiệp môi trường của cả nước là 13.880 tỷ đồng, trong đó kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ cho các địa phương là 12.000 tỷ đồng; của Trung ương là 1.880 tỷ đồng. Kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương đã phân bổ đợt 1 năm 2017 là hơn 1.653 tỷ đồng; còn lại chưa phân bổ là khoảng 226 tỷ đồng. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, năm 2017, nhu cầu triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường của các bộ, ngành rất lớn với tổng kinh phí đề xuất là gần 853 tỷ đồng. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách có hạn, sau khi thẩm định, cân đối, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài chính đã thống nhất phân bổ khoảng 469 tỷ đồng cho các hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường của các bộ, ngành (chiếm 55% nhu cầu đề xuất). Căn cứ đăng ký kế hoạch và dự toán ngân sách sự nghiệp môi trường của 31 bộ, ngành; căn cứ các hồ sơ đề nghị hỗ trợ xử lý các cơ sở công ích gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến tổng kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2018 là hơn 2.380 tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn vốn trong nước là trên 2.061 tỷ đồng, chi từ nguồn vốn ngoài nước là gần 320 tỷ đồng. Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu cho rằng, nguồn ngân sách phân bổ cho sự nghiệp môi trường cho 31 bộ, ngành là dàn trải; vì thế không tập trung được nguồn lực để giải quyết những vấn đề lớn, vấn đề môi trường trọng điểm của quốc gia. Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, cần có đánh giá cụ thể, đưa ra những nhóm nhiệm vụ trọng tâm để phân bổ ngân sách phù hợp và đạt hiệu quả cao. “Phải có phân tích về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn với vấn đề sức khỏe của người dân tại đây hay sự ảnh hưởng của các khu công nghiệp đến cuộc sống người dân… Tất cả những vấn đề này phải đánh giá có cơ sở khoa học để dành nguồn lực tập trung khắc phục”, đại biểu Mai Sỹ Diến phân tích. Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước trong hoạt động bảo vệ môi trường phải đảm bảo nguyên tắc cơ bản: người gây ô nhiễm phải chi trả để xử lý ô nhiễm và khắc phục hậu quả. Nếu làm tốt việc này, ngân sách Nhà nước sẽ chỉ tập trung vào những việc đúng chức năng quản lý Nhà nước như: xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, công tác đào tạo,… đồng thời tránh tình trạng một số địa phương chi cho hoạt động bảo vệ môi trường vượt ngân sách Nhà nước phân bổ.
Công nhân Nhà máy xử lý chất thải rắn phân loại rác hữu cơ để sản xuất phân vi sinh. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
 Công nhân Nhà máy xử lý chất thải rắn phân loại rác hữu cơ để sản xuất phân vi sinh. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Đại biểu Thái Trường Giang, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nguồn ngân sách để xử lý nước thải khu đô thị cần được quan tâm đầu tư hơn nữa bởi hiện nay, có nhiều đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Từ thực tế này, nhiều đại biểu kiến nghị Quốc hội xem xét, tăng mức đầu tư cho bảo vệ môi trường. Theo đó, hàng năm tăng dần mức chi sự nghiệp bảo vệ môi trường trên 1% tổng chi ngân sách nhà nước, đồng thời tái cơ cấu chi từ các nguồn thu phí bảo vệ môi trường, thuế bảo vệ môi trường để đầu tư trực tiếp cho công tác bảo vệ môi trường. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát quy hoạch, xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp; có chính sách thu hút đầu tư của khối tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường.
Phan Phương

Có thể bạn quan tâm