Dù có nhiều khởi sắc nhưng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Nam vẫn hết sức khó khăn. Nguồn ảnh: infonet.vn |
Theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, tổng kinh phí thực hiện công tác giảm nghèo bền vững từ năm 2016 - 2018 đạt trên 6.450 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là 844,441 tỷ đồng. Các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo 1.095 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo riêng của tỉnh 347 tỷ đồng. Nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi là 3.752 tỷ đồng.
Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 - 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đồng hành và huy động, bố trí được trên 8.771 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong đó nguồn ngân sách nhà nước bố trí trên 4.267 tỷ đồng (ngân sách tỉnh trên 703 tỷ đồng).
Mặc dù, việc đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững trong 3 năm qua của tỉnh Quảng Nam đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu vẫn chưa đạt được. Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh vẫn còn 31.537 hộ nghèo, chiếm 7,57% cao hơn tiệm cận với tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước cuối năm 2018 là 5,35%.
Đối với 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a (3 huyện theo Nghị quyết 30a và 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao) còn 16.893 hộ nghèo (chiếm 38,91%, giảm 16,14%), bình quân giảm 5,38%/năm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Dự báo đến năm 2020, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn 6 huyện nghèo vẫn không đạt mục tiêu giảm 7%/năm như mục tiêu Nghị quyết 02 đề ra. 66 xã nghèo đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 còn 17.009 hộ nghèo (chiếm 39,64%, giảm 22,27%), bình quân giảm 7,42%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết 02 đề ra…
Nguyên nhân của việc chưa đạt được mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy đề ra là do một số địa phương thiếu tập trung, chưa quyết liệt chỉ đạo công tác giảm nghèo, còn để xảy ra tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới. Công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo còn sai sót, kết quả chưa phản ánh đúng thực trạng. Công tác tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách chưa sâu rộng, chưa phong phú về nội dung, thiếu đa dạng về hình thức, chưa khơi dậy ý thức trách nhiệm, tính chủ động vươn lên tham gia học nghề, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm, đi xuất khẩu lao động hoặc làm việc cho các doanh nghiệp... Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, khu vực, các nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh có sự khác biệt, không đồng đều, nhất là đối với khu vực miền núi - là nơi đất sản xuất rất hạn chế, một số nơi người dân không có đất sản xuất, do đó không có điều kiện để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Trình độ người dân còn hạn chế, chưa tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất lao động chưa cao, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị để tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Một số địa phương, cán bộ và người dân có tư tưởng không muốn thoát nghèo, một bộ phận hộ nghèo thiếu ý chí, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc thụ hưởng cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, chưa có nghị lực tự vươn lên thoát nghèo.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn khoảng 5,30%, bình quân mỗi năm giảm từ 1% - 1,5% (từ 4.000 - 6.000 hộ nghèo). Trong đó: Khu vực đồng bằng giảm từ 0,5% - 1%/năm; khu vực miền núi giảm từ 4% - 5%/năm; các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 5% - 6%. Khu vực đô thị của các thành phố, thị xã phấn đấu không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội), tỷ lệ hộ nghèo các huyện đồng bằng còn dưới 2%, các huyện miền núi, trung du còn khoảng 17%. Tỉnh phấn đấu không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng thuộc chính sách người có công vào cuối năm 2020. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm mỗi năm từ 0,5% - 1%.
Thời gian tới, Quảng Nam tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trong tâm như: tăng cường và chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số, khu vực miền núi thay đổi cách sống, sinh hoạt, chủ động tổ chức sản xuất, tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm cũng như ý thức tổ chức kỷ luật khi tham gia học tập, lao động tại các doanh nghiệp. Tỉnh thực hiện tốt công tác rà soát, phân loại hộ nghèo theo nguyên nhân nghèo, hoàn cảnh, điều kiện và nguyện vọng, khả năng thoát nghèo để lập kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững theo hướng toàn diện cả về tiêu chí thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; chủ động, tích cực tiếp cận các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để vận động hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo, nhận giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, thôn, xã nghèo và huyện nghèo.
Trần Tĩnh