Sách Xanh Ngoại giao năm 2016 nêu rõ Nhật Bản phải "phối hợp với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải và hòa bình" trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động leo thang căng thẳng trên Biển Đông. Nhật Bản cũng "vô cùng quan ngại" về tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông trong bối cảnh nước này đang tìm kiếm sự an toàn cho tuyến đường biển, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông do phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn năng lượng qua đường biển.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái). Kyodo/TTXVN |
Về vấn đề Biển Hoa Đông, Sách Xanh Ngoại giao của Nhật Bản nhắc lại rằng nước này quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải, đồng thời chỉ trích tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên xâm nhập lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku (Xên-ca-cư) mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Tuy nhiên, văn bản này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại với Trung Quốc, cho rằng mối quan hệ với Bắc Kinh là "một trong những quan hệ song phương quan trọng nhất".
Về vấn đề Hàn Quốc, Sách Xanh nêu rõ mối quan hệ với Seoul sẽ tiến tới một "kỷ nguyên mới" trong quan hệ "theo định hướng tương lai" sau khi hai nước ký thỏa thuận song phương năm 2015 nhằm giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép mua vui cho quân đội Nhật trong thời chiến. Tuy nhiên, Nhật Bản duy trì lập trường cho rằng quần đảo đang tranh chấp với Hàn Quốc Takeshima/Dokdo (Ta-kê-si-ma/Đốc-đô) là phần lãnh thổ của Nhật Bản “dựa trên bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế”.
Về chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, Sách Xanh của Nhật Bản nêu rõ đây là một “mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng” đến sự an toàn của Nhật Bản và làm tổn hại đến hòa bình và an ninh của Đông Bắc Á, cũng như của cả cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định Tokyo sẽ “hối thúc mạnh mẽ nước này thực hiện các biện pháp cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa”.
Bên cạnh đó, tài liệu trên đề cập đến mối quan hệ giữa Nhật Bản và Nga, cho rằng Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) mong muốn thúc đẩy các cuộc thương lượng nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng chục năm nay về 4 hòn đảo ngoài khơi đảo Hokkaido (Hốc-cai-đô), miền Bắc Nhật Bản, mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril./.