Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Âm nhạc cần kết hợp giữa học thuật, tính thời đại và bản sắc dân tộc

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: Âm nhạc cần kết hợp giữa học thuật, tính thời đại và bản sắc dân tộc
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sinh năm 1973, quê tỉnh Nam Định. Anh là nhạc sĩ có khả năng sáng tác được nhiều thể loại tác phẩm với nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Là người được đào tạo chính quy tại Khoa sáng tác – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động âm nhạc như sáng tác, phối khí, chuyển soạn, dàn dựng… Những tác phẩm sáng tác khí nhạc, những bản phối khí của anh luôn mang tính sáng tạo, thể hiện phong cách chuyên nghiệp, được giới chuyên môn ghi nhận. 
 
"Tôi có niềm đam mê nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số trên dải đất hình chữ S. Vì vậy, tôi muốn có cơ hội được thử sức trong việc viết nhạc giao hưởng thính phòng cho dàn nhạc cổ truyền Việt Nam..." Ảnh: Internet
"Tôi có niềm đam mê nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số trên dải đất hình chữ S. Vì vậy, tôi muốn có cơ hội được thử sức trong việc viết nhạc giao hưởng thính phòng cho dàn nhạc cổ truyền Việt Nam..." Ảnh: Internet

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chính thức viết nhạc từ năm 2006 với tác phẩm đầu tay là "Tứ tấu đàn dây số 2". Theo nhạc sĩ, khi còn bé, anh đã có niềm yêu thích nhạc cụ dân tộc, thời thanh nhiên thích tham gia các ban nhạc pop, rock, khi trưởng thành có sự trải nghiệm, lại gắn bó với giao hưởng thính phòng. Bên cạnh sự nghiệp sáng tác âm nhạc giao hưởng thính phòng, anh từng giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, sau này khi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, anh giảng dạy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội 2. 

Có niềm đam mê mãnh liệt và gắn bó với thể loại giao hưởng thính phòng, nhằm thổi một làn gió mới đến với thể loại này, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã có những thể nghiệm kết hợp giữa giao hưởng thính phòng với âm nhạc truyền thống dân tộc. Có thể nhận thấy, album "Yếm đào xuống phố" là sự kết hợp giữa Jazz và Chèo, chương trình Khúc giao hòa ngày xuân có sự kết hợp giữa nhạc cổ truyền với giao hưởng thính phòng. 

Đặc biệt, một trong những chương trình đánh dấu sự thành công trong kết hợp giao hưởng thính phòng với âm nhạc cổ truyền Việt Nam của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là chương trình Plaisir D'Amour - Tình yêu và Đam mê biểu diễn tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2016. Chương trình biểu diễn những bài hát dân ca của các dân tộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và đồng bào dân tộc Chăm được thính phòng hóa trong cách hát và chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng, kết hợp biểu diễn các bài hát cổ điển phương Tây. 

Đây là chương trình với sự đóng góp chung của Nghệ sĩ ưu tú Hồng Vy (vợ nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng), soprano Duyên Huyền, Nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương, bariton Đào Mác cùng với nhạc trưởng Lê Ha My và khách mời Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ. Chương trình đã nhận được sự đánh giá tích cực của giới chyên môn cũng như nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng. 

Sự kết hợp giữa giao hưởng thính phòng với dân ca Việt Nam và những thể loại âm nhạc bản địa của các dân tộc thiểu số trong cả nước được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng dựa vào các tiêu chí học thuật, hơi thở thời đại và bản sắc dân tộc. Nhạc sĩ nhận định: Có thể gói gọn tiêu chí sáng tác và kết hợp âm nhạc của tôi trong 3 từ “học thuật, hiện đại và dân tộc”. Tiêu chí học thuật thể hiện chuyên môn của người nghệ sĩ, tính thời đại giúp tác phẩm dễ đến với công chúng và bản sắc dân tộc đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng trong nước, tạo được sức hút đối với người nước ngoài. Chính bản sắc dân tộc trong âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam có thể mang âm nhạc ra thế giới đến với công chúng quốc tế. Đây cũng là con đường sáng tạo nghệ thuật mà nhiều nghệ sĩ hiện nay đang theo đuổi. 

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng có nhiều tác phẩm đặc sắc được nhiều người biết đến như giao hưởng thơ “Lệ Chi Viên”, giao hưởng số 2 "Một nửa cõi trầm", chùm tác phẩm “Khúc giao hòa ngày Xuân”, các ca khúc "Gió lộng bốn phương", "Giấc mơ mùa lá", "Quê mẹ"… 

Chia sẻ về những chương trình biểu diễn ấn tượng, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết: Tôi nhớ nhất là Liên hoan âm nhạc quốc tế Beethoven diễn ra tại Cộng hòa liên bang Đức năm 2009, trong đó công diễn bản giao hưởng thơ “Lệ Chi viên” do tôi sáng tác. Tôi được ngồi ở hàng ghế đầu trong một chương trình âm nhạc tầm cỡ quốc tế và lắng nghe tác phẩm của mình biểu diễn, đó là một cảm xúc hạnh phúc không thể nào diễn tả bằng lời. 

Tháng 7/2016, chương trình Sound of nature (bao gồm 11 tác phẩm do anh sáng tác) đã chinh phục khán giả quốc tế với hai đêm diễn tại Saint Petersburg, Liên bang Nga. Đây là cơ hội và cũng là sự động viên rất lớn cho những lao động miệt mài bền bỉ của tác giả. 

Chia sẻ về những dự định âm nhạc trong tương lai, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết: "10 năm gắn bó với nhạc giao hưởng thính phòng, tôi nhận được sự đánh giá tích cực của giới chuyên môn và sự đón nhận của công chúng. Đây vẫn luôn là thể loại âm nhạc mà tôi tiếp tục gắn bó, theo đuổi trong sự nghiệp âm nhạc mình. Tôi có niềm đam mê nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số trên dải đất hình chữ S. Vì vậy, tôi muốn có cơ hội được thử sức trong việc viết nhạc giao hưởng thính phòng cho dàn nhạc cổ truyền Việt Nam, trong đó tập hợp tất cả những nhạc cụ tinh túy nhất của các dân tộc trong cả nước. Đó sẽ là chương trình âm nhạc giao hưởng thính phòng thuần Việt, mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt Nam cũng như đem đến sự mới lạ cho người yêu thích giao hưởng thính phòng trên thế giới". 
Nguyễn Xuân Dự
TTXVN

Có thể bạn quan tâm