Nhà giáo của phum sóc Khmer Nam Bộ

NGND Lâm Es nghiên cứu, biên soạn nhiều đầu sách giáo khoa tiếng dân tộc để dạy học cho con em đồng bào Khmer
NGND Lâm Es nghiên cứu, biên soạn nhiều đầu sách giáo khoa tiếng dân tộc để dạy học cho con em đồng bào Khmer

Nhà giáo nhân dân (NGND) Lâm Es là niềm tự hào của bà con Khmer, người dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung về đức tính giản dị của một nhà giáo một đời tự học, một người thầy mẫu mực đã dành gần trọn cuộc đời cống hiến và chăm lo cho công tác giáo dục dân tộc và sự nghiệp giáo dục của địa phương, khu vực và nước nhà. Ông là nhà giáo người dân tộc Khmer đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được phong tặng danh hiệu NGND vào năm 2002.

Nhà giáo của phum sóc Khmer Nam Bộ ảnh 1NGND Lâm Es là một tấm gương mẫu mực của nghề giáo, đã dành gần trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục và công tác khuyến học, khuyến tài ở tỉnh Sóc Trăng

Người thầy của phum sóc Khmer

Nghỉ hưu hơn 20 năm có lẻ, tuy tuổi cao nhưng NGND Lâm Es vẫn giữ được dáng vẻ khỏe mạnh, tinh anh, hoạt bát, hóm hĩnh với vầng trán cao, ánh mắt đôn hậu và nụ cười chân tình, cởi mở. Đó là cảm nhận đầu tiên khi chúng tiếp xúc với thầy tại nhà riêng, căn nhà tường khang trang nằm giữa một khu dân cư Khmer điển hình ở ấp Khu 2 (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).

Dành cả cuộc đời cho công tác giáo dục dân tộc và sự nghiệp giáo dục, cho đến hôm nay, thầy vẫn ngày ngày miệt mài lao động, gieo con chữ cho những thế hệ sau, là tấm gương mẫu mực về tính khiêm nhường, bình dị của một nhà giáo, không chỉ dạy chữ mà còn dạy học trò cách làm người, giữ gìn và phát huy phong tục tập quán của đồng bào Khmer, cũng như truyền thống hiếu học, tôn sự trọng đạo của dân tộc Việt Nam.

Nhà giáo của phum sóc Khmer Nam Bộ ảnh 2NGND Lâm Es nghiên cứu, biên soạn nhiều đầu sách giáo khoa tiếng dân tộc để dạy học cho con em đồng bào Khmer

Tuy mới gặp thầy lần đầu nhưng chúng tôi đều cảm nhận được sự giản dị, gần gũi toát ra qua từng cử chỉ và lời nói của thầy. Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm của nghề giáo, dường như chạm đúng mạch cảm xúc, ký ức về một thời gian khó của cậu học trò nghèo tuy đói cái ăn nhưng đong đầy nhiệt huyết trong hành trình đến với tri thức, với tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình vẫn còn vẹn nguyên, dần dần hiện về.

Mồ côi cha từ lúc mới lên 5, nhà nghèo, anh em mất dần vì dịch bệnh, không có điều kiện cứu chữa, cậu bé Lâm Es lớn lên trong sự tảo tần của mẹ và sự giúp đỡ của bà con trong phum sóc. Ngày đó, chuyện học ở vùng quê nghèo Nhu Gia (xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) gian nan lắm, để nuôi con chữ, chàng thanh niên Khmer nghèo đều đặn mỗi ngày dậy từ 3 giờ sáng, vượt quãng đường hơn 20km đến Trường Trung học đệ nhất cấp Khai Trí. Gặp được thầy Sơn Cao - một thầy giáo làng dạy học miễn phí ở chùa Cần Đước, được thầy dạy chữ dân tộc, cắt nghĩa những bài học về đạo đức làm người, cậu học trò Lâm Es bắt đầu có tình yêu mãnh liệt với tiếng nói, chữ viết của đồng bào mình và ấp ủ ước mơ được làm thầy giáo.

Những ngày tháng xuất gia vào chùa tu học theo tục lệ của người Khmer, được tiếp xúc với kinh kệ, giáo lý nhà Phật, hàng ngày, cứ có thời gian rỗi là thầy lại lao vào đọc sách, học ngoại ngữ. Nhờ vậy, cậu học trò nghèo Lâm Es đã hoàn tất các môn phổ thông cơ bản và thông thạo nhiều ngoại ngữ như Pháp, Anh và Hoa. Tu học được 3 năm, tăng sinh Lâm Es được chư tăng và bà con bầu làm Sư cả nhì, được giao nhiệm vụ dạy chữ Khmer cho bà con phật tử và sư sãi tại chùa.

Nhà giáo của phum sóc Khmer Nam Bộ ảnh 3Dù đã hơn 80 tuổi, NGND Lâm Es vẫn miệt mài với công tác khuyến học, thường xuyên đứng lớp dạy chữ Khmer tại các trường học trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành ở Nam Bộ

Vị sư trẻ Lâm Es bén duyên với nghề giáo từ đó, rồi hoàn tục vì “muốn đi dạy học cả đời”. Những năm 1972-1977, thầy Lâm Es tiếp tục tự học, đỗ tú tài 2 và làm giáo viên dạy tiếng Khmer, tiếng Pháp cho trường cấp 2 và cũng là người đầu tiên ở vùng này dạy ngoại ngữ trong nhà chùa.

Sau Tiếp thu (30/4/1975), thầy Lâm Es chủ yếu dạy văn hóa cho con em đồng bào Khmer, tự trau dồi thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm. Từ năm 1978, thầy Lâm Es được chuyển về Ty Giáo dục Hậu Giang làm công tác quản lý, phụ trách mảng giáo dục dân tộc.

Trọn đời vì sự nghiệp giáo dục và công tác khuyến học

Gắn bó với nghề giáo từ tuổi đôi mươi, đến nay, tuy đã ngoài 80, thầy giáo Lâm Es vẫn vừa làm công tác khuyến học vừa đi dạy tiếng Khmer. Hình ảnh thầy đạp xe, lội bộ hay đứng đón xe bus đến trường mỗi ngày đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với người dân Nhu Gia trong mấy chục năm qua.

Nhà giáo của phum sóc Khmer Nam Bộ ảnh 4NGND Lâm Es với tăng sinh Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)

Năm 2003, sau khi về hưu, thầy Lâm Es được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng. Trên cương vị mới, thầy thường đến các vùng nông thôn, lặn lội vào các phum sóc Khmer để vận động phu huynh cho con em đến trường học cái chữ. Kiên trì, nhẫn nại từ những ngày đầu, đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có Hội Khuyến học; cùng với đó, số lượng các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập trên địa bàn tỉnh cũng tăng đều và tăng nhanh qua từng năm. Đến năm 2020, toàn tỉnh có gần 114.000 gia đình học tập, 688 dòng họ học tập, gần 600 cộng đồng học tập và trên 700 đơn vị học tập.

Với nhiệt huyết của NGND Lâm Es và các cộng sự, trong những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, địa phương triển khai nhiều chương trình, thúc đẩy phát mảng giáo dục dân tộc nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung, chung tay xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 192.000 hội viên, củng cố thành lập hơn 1.900 chi hội khuyến học, gần 670 ban khuyến học cơ quan, ban ngành đoàn thể các cấp.

Riêng trong năm 2019, các cấp Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng đã vận động được gần 49 tỷ  đồng, tổ chức trao tặng trên 169.000 suất học bổng, với tổng số tiền trên 31 tỷ đồng; vận động người dân hiến 150.000m2 đất xây trường, sửa chữa bàn ghế, trường lớp… với tổng số tiền là trên 14 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Hội cũng đã vận động được trên 17 tỷ đồng, tổ chức trao các suất học bổng với tổng trị giá hơn 14 tỷ học bổng cho các em học sinh các cấp ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh…

Nhà giáo của phum sóc Khmer Nam Bộ ảnh 5NGND Lâm Es trao đổi nghiệp vụ với các giảng viên Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)

Theo NGND Lâm Es, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cần có sự chung tay thực hiện của nhiều ban ngành, đoàn thể. Riêng đối với tỉnh Sóc Trăng, từ khi thành lập Hội Khuyến học năm 2003 đến nay, Hội luôn xác định việc xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, suốt đời. Từ 4 mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập, phải nâng tầm lên thành học tập suốt đời mới phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. 

Bên cạnh công tác giáo dục, từ năm 1979, thầy Lâm Es được Bộ Giáo dục phân công làm chủ biên biên soạn sách giáo khoa song ngữ Khmer-Việt các quyển 1, 2, 3, 4 cho học sinh phổ thông. Ðến nay, bộ sách tiếng Khmer đã được bổ sung, tái bản nhiều lần và trở thành bộ sách giáo khoa được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer trong các trường phổ thông ở các tỉnh, thành Nam Bộ hiện nay. Ngoài ra, thầy Lâm Es còn có rất nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm được xuất bản liên quan đến việc dạy và học tiếng Khmer, có phạm vị lan tỏa cả trong và ngoài nước.

Tính đến nay, NGND Lâm Es đã biên soạn trên 50 đầu sách song ngữ Việt - Khmer, trong đó có những bộ sách quý như: Bộ sách dành cho Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ từ lớp 10 đến lớp 12, bộ sách ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9. Nếu như trước đây, chữ Khmer chỉ sử dụng nhiều trong nhà chùa, thì giờ đây đã đến với trẻ em và đông đảo đồng bào Khmer thông qua các tác phẩm của NGND Lâm Es như: Tập đọc tiếng Khmer, tập tô, tập vẽ, chuyện kể Khmer, giảng dạy chữ Khmer trong trường Trung học Sư phạm...

Nhà giáo của phum sóc Khmer Nam Bộ ảnh 6Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, NGND Lâm Es đến thăm một hộ gia đình dân tộc Khmer hiếu học ở xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng

Tỉnh Sóc Trăng có 10 trường phổ thông dân tộc nội trú và Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, thường xuyên duy trì các lớp dạy chữ Khmer với khoảng 6.500 tăng sinh và con em Phật tử trong phum, sóc theo học. Đặc biệt, cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh được khuyến khích học nói và viết tiếng Khmer, cộng đồng dân tộc chiếm trên 30% dân số của tỉnh Sóc Trăng.

Chính từ chủ trương này, hàng ngàn học viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng đã được học tập miễn phí, hoàn thành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Thầy Lâm Es cũng là người đề xuất chủ trương khuyến khích cán bộ người Kinh học tiếng Khmer để có thể nghe, hiểu và biết nói tiếng Khmer nhằm tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó với đồng bào dân tộc, vừa thuận lợi, hiệu quả trong công tác dân vận, vừa góp phần củng cố tình đoàn kết, thắm tình dân tộc Kinh- Khmer.

Nhà giáo của phum sóc Khmer Nam Bộ ảnh 7NGND Lâm Es với các giảng viên Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng)

Cả cuộc đời với công tác giáo dục dân tộc và sự nghiệp giáo dục, tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài, nhà giáo Lâm Es luôn tâm niệm được phục vụ cho ngành giáo dục, cho đồng bào Khmer là sự tri ân với quê hương, đồng bào mình và cả cộng đồng. Ngoài 80 tuổi nhưng mỗi ngày thầy vẫn tự học không ngừng, bởi đối với nhà giáo của phum sóc Khmer Nam Bộ - NGND Lâm Es: “Học tập là phải học tập suốt đời. Khuyến học phải bắt đầu từ mỗi cá nhân ham học, lan tỏa trong mỗi gia đình học tập, nhân rộng đến vùng đất hiếu học và từ đó, cả nước ta sẽ trở thành một xã hội học tập. Công tác khuyến học phải gắn liền với việc lan tỏa văn hóa đọc, đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”. /.

Thu Hương - An Hiếu (Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

(Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm