Nguy cơ phá vỡ quy hoạch Di tích làng cổ Đường Lâm (Bài 2)

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch Di tích làng cổ Đường Lâm (Bài 2)
Bài 2: Không gian di tích làng cổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng

“Nếu cải tạo, nâng cấp công trình Trạm Y tế mà vẫn ở vị trí cũ là trái với quy hoạch đã được phê duyệt và không hợp lý” – Đó là ý kiến của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư Trưởng thành phố Hà Nội, một người luôn dành sự quan tâm cho kiến trúc di sản Hà Nội.
 
Nét xưa còn lưu giữ tại làng cổ Đường Lâm . Ảnh: Minh Đức -TTXVN
Nét xưa còn lưu giữ tại làng cổ Đường Lâm . Ảnh: Minh Đức -TTXVN

Công trình không phù hợp với cảnh quan cổng làng cổ 

Lâu nay, Trạm Y tế (cũ) hiện hữu ngay trước cổng vào làng cổ Đường Lâm đã là vấn đề khó được chấp nhận, vì vậy trong quy hoạch tương lai sẽ được di chuyển. 

Trạm Y tế cũ có diện tích hai nhà trạm 270 m2. Khi cải tạo, xây mới, công trình này có diện tích sàn lên tới 607 m2, gấp hơn hai lần so với trước và vẫn giữ 1 tầng như cũ. Quy mô dự án đáp ứng tiêu chí quốc gia về Trạm Y tế xã, số lượng và diện tích các phòng chức năng như: Phòng trực, Phòng Cấp cứu, Phòng khám Đông y, Phòng khám Tây y, Phòng Giao ban, Phòng Trạm trưởng, Phòng Đẻ, Phòng Chờ đẻ, Phòng Tiệt trùng, Phòng Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình…Công trình vì thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan cổng làng cổ. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi giữa cảnh quan dân dã của một làng quê là một công trình tương đối bề thế kề bên. 

Ông Santlado Blanlo và ông Jose Pradas, khách du lịch đến từ Tây Ban Nha bày tỏ, ấn tượng đầu tiên khi họ đến làng cổ Đường Lâm là nông thôn dân dã, rất nhiều cây cối. Tuy nhiên, công trình Trạm Y tế có kiến trúc không ăn nhập với cảnh quan của làng. Họ cho rằng, việc xây dựng Trạm Y tế là rất quan trọng nhưng nên đặt ở vị trí khác sẽ tốt hơn cho phát triển du lịch. 
 
Ngõ nhỏ Đường Lâm. Ảnh: Anh Tuấn -TTXVN
 Ngõ nhỏ Đường Lâm. Ảnh: Anh Tuấn -TTXVN

Anh Nguyễn Anh Phương, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Ban Mai cho rằng, khách du lịch của Công ty thường được đưa xuống tham quan làng cổ Đường Lâm vì điểm này nằm gần trung tâm Hà Nội. Trong tuyến du lịch Hà Nội - Hạ Long, khách ít có cơ hội tham quan làng cổ để tìm hiểu về cuộc sống hay kiến trúc đặc trưng của nông thôn Việt Nam. Vì vậy, khi có thời gian, anh thường đưa khách xuống thăm nơi này. Là hướng dẫn viên du lịch, anh Nguyễn Anh Phương muốn khách có ấn tượng tốt về điểm tham quan và rất mong làng càng giữ được nét nguyên sơ càng tốt. Theo anh, cổng làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được nét nguyên sơ rất đẹp nhưng công trình Trạm Y tế được xây dựng rất to ngay cạnh cổng làng không ăn nhập với kiến trúc làng cổ, ảnh hưởng không tốt đến ấn tượng của khách khi đến tham quan. 

Phải điều chỉnh quy hoạch mới được đầu tư dự án 

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, làng cổ Đường Lâm có giá trị đặc trưng cần được bảo vệ, hiếm có nơi nào được. Bảo tồn làng cổ Đường Lâm là bảo tồn cấu trúc làng cổ (tức là cơ cấu phân khu chức năng), bảo tồn không gian kiến trúc, cảnh quan (tức là các công trình kiến trúc, cảnh quan, mối liên kết với xung quanh), bảo tồn công trình di tích kiến trúc lịch sử văn hóa và bảo tồn lối sống phù hợp với di sản đã được công nhận. Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm và sau thời gian dài xây dựng, thành phố đã có Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Quy hoạch này được coi là định hướng bảo tồn, đồng thời là công cụ để quản lý bảo tồn và mọi việc cải tạo, xây dựng mới hoặc chỉnh trang hoàn toàn phải tuân thủ theo quy hoạch. 
 
Đá ong - loại vật liệu chính để dựng nhà tại Đường Lâm. Ảnh: Anh Tuấn -TTXVN
Đá ong - loại vật liệu chính để dựng nhà tại Đường Lâm. Ảnh: Anh Tuấn -TTXVN

Về vấn đề xây dựng Trạm Y tế mới tại chính vị trí cũ, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc xây dựng, cải tạo trên vị trí cũ là không phù hợp với quy hoạch do Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm được xây dựng với sự tham gia của đầy đủ các tổ chức xã hội, chuyên gia và người dân làng cổ. Vấn đề đặt ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch, có thể có những điều chỉnh cục bộ và phải tuân thủ theo quy trình. Nếu điều chỉnh, cải tạo, xây dựng lại hoàn toàn theo ý muốn chủ quan của một cơ quan nào đó nhưng thiếu quan tâm đến quy hoạch, không thực hiện đúng quy trình điều chỉnh, vô tình làm giảm hiệu lực công cụ quản lý của địa phương. Đây là vấn đề cần phải rút kinh nghiệm. 

Trong quá trình bảo tồn di sản ở Việt Nam hiện nay, ngoài các văn bản pháp luật trong nước, chúng ta còn tuân thủ theo một số quy ước của thế giới về bảo tồn di sản. Ví dụ như Hiến chương Washington mà nước ta tham gia đồng thuận, trong đó cho phép một điều là công trình di tích có quyền được chỉnh trang nếu như phù hợp với quy hoạch mới được phê duyệt và mục tiêu là nâng cấp chất lượng sống của người dân. Trở lại chuyện Đường Lâm, nếu như trong quy hoạch vừa qua không cho cải tạo, chỉnh trang, nay muốn làm, cơ quan quản lý trực tiếp phải thực hiện đầy đủ các trình tự, phải điều chỉnh quy hoạch, sau đó mới phê duyệt dự án. Quy trình này thống nhất từ trong Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công.“Tôi cho rằng vấn đề ở đây là cần nhìn nhận, xem xét quy trình chuẩn bị đầu tư của công trình, dự án cải tạo này xem đã đúng quy trình hay chưa, sau đó chúng ta phải xem tác động đến quy hoạch. Nếu tác động quy hoạch không thể chấp nhận, rõ ràng, phải xem xét lại quy hoạch từ đó xác định rõ điểm nào, khâu nào chưa tuân thủ quy hoạch” – ông Đào Ngọc Nghiêm khẳng định.
Đinh Thuận – Nguyễn Cúc
TTXVN

Có thể bạn quan tâm