Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Tuyên Quang

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Tuyên Quang

Sáng 19/9, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Tuyên Quang ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, việc triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, tỉnh đã huy động được nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đến nay, mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội đã phủ kín đến 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với 138 điểm giao dịch xã, phường, hơn 2.370 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách thuận lợi, kịp thời. Toàn tỉnh có 181.848 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách, đến ngày 31/8, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 3.573 tỷ đồng, tăng 3.426 tỷ đồng, gấp 23,3 lần so với năm 2003. Doanh số cho vay đạt 9.851 tỷ đồng, với hơn 472 nghìn lượt hộ được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 6.412 tỷ đồng, chiếm 65,09% doanh số cho vay, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 18,9%…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá cao tỉnh Tuyên Quang đã triển khai hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Tuyên Quang ảnh 2Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2018-2022. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Ông Nguyễn Đức Hải khẳng định, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ Tuyên Quang thực hiện tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Tỉnh cần quan tâm, chỉ đạo cân đối nguồn vốn ủy thác địa phương, ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường nguồn vốn vay cho đối tượng hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tập trung nguồn lực để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn, chủ yếu ở các huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thể hiện vai trò của tín dụng chính sách xã hội, là công cụ tài chính đắc lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Để đạt mục tiêu bảo đảm 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trên 3%/năm, thực hiện tốt bảo đảm an sinh xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phối hợp với các đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội...

Thời gian tới, tỉnh tập trung nguồn lực và chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của tỉnh trong từng giai đoạn, tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phấn đấu tăng trưởng tín dụng hằng năm đối với các chương trình được phép tăng trưởng dư nợ sẽ tăng trưởng bình quân đạt từ 8% trở lên; hằng năm hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao; tỷ lệ nợ xấu dưới 0,2% trên tổng dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại Tuyên Quang ảnh 3Lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2018-2022 . Ảnh: Quang Cường – TTXVN.

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen cho 35 tập thể, 56 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022. Ngoài ra, có 17 tập thể và 60 cá nhân được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tặng Giấy khen.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm