Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam (Bài 1)

Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam (Bài 1)

Vừa qua, ngành Du lịch Việt Nam đã phát động Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", cũng như triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa... hướng đến mục tiêu tạo điều kiện để người dân du lịch tới những vùng miền trong cả nước trong bối cảnh bình thường mới sau dịch COVID-19. Hưởng ứng chương trình, nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh kết nối và hình thành những liên minh phát triển du lịch vùng trên cơ sở khai thác văn hóa bản địa. Đặc biệt, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đã chủ động triển khai đa dạng sản phẩm, tour mới để hút khách du lịch. Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết về chủ đề này.

Bài 1: Tạo sức hút cho du lịch nội địa

Thời gian qua, không chỉ riêng Ngành Du lịch mà một số chính quyền địa phương tại khu vực phía Nam đã và đang chủ động tăng cường hoạt động quảng bá du lịch, điểm đến an toàn để thu hút khách du lịch phục vụ chiến lược kích cầu du lịch nội địa. Đồng thời, sở, ngành các tỉnh, thành này cũng đã làm việc với doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ... về Chương trình kích cầu du lịch một cách tổng thể như: Giảm giá, tăng thêm những dịch vụ, sản phẩm như thế nào để phát huy được tiềm năng du lịch địa phương.

Kích cầu du lịch nội địa

Chương trình kích cầu du lịch nội địa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) với Hiệp hội Du lịch các địa phương trên cả nước thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc. Chương trình nhằm nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch nội địa trên toàn quốc, cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép.

Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam (Bài 1) ảnh 1 Đến với Hội An, du khách được tham quan miễn phí tất cả điểm du lịch trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Cụ thể, Chương trình kích cầu du lịch nội địa tập trung kêu gọi doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành và những đơn vị hoạt động trong ngành du lịch xây dựng đa dạng sản phẩm kích cầu mới, với các gói dịch vụ phong phú có giá ưu đãi để phục vụ và tạo sức hút du khách. Trong đó, giá tour của chương trình sẽ có hai phương án song song, gồm: Giá rẻ hơn tour du lịch thông thường từ 20 - 30% nhưng chất lượng dịch vụ không giảm; hoặc giữ nguyên giá nhưng tăng dịch vụ cao cấp cho khách du lịch.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch VITA, Chương trình kích cầu du lịch nội địa là giải pháp hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay; thể hiện tính chủ động, kịp thời khôi phục du lịch, hướng đến kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại một điểm đến an toàn và hạn chế di chuyển. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường quốc tế chưa có "lối mở" thì thị trường nội địa là “cứu cánh” và Chương trình kích cầu du lịch nội địa là hết sức cần thiết đối với Ngành Du lịch Việt Nam.

Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam (Bài 1) ảnh 2Hoạt động đặc sắc mở đầu Tuần du lịch Ninh Bình với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” năm 2020. Ảnh: TTXVN

Dự báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020. Do đó, Ngành Du lịch cần kích cầu du lịch nội địa bù đắp cho việc sụt giảm nghiêm trọng số lượng khách quốc tế, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành; tạo việc làm cho người lao động trong các ngành du lịch, khách sạn, hàng không...

Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel cho rằng, để thu hút khách du lịch nội địa, nên giảm hoặc miễn phí chi phí tại điểm tham quan, bảo tàng, khu di tích lịch sử... Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh nếu thực hiện hoạt động giảm hoặc miễn này, không chỉ thu hút chính hơn 10 triệu dân của Thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch nội địa mà Thành phố sẽ có thêm được lượng khách du lịch từ các tỉnh, thành lân cận.

Thêm một thực tế nữa, hiện nay có nhiều nhà hàng phục vụ ăn uống, điểm tham quan, vui chơi giải trí... chưa có kết nối, phối hợp thông tin và kế hoạch hợp tác cùng triển khai những sản phẩm kích cầu du lịch để đạt hiệu quả hơn. Một số tỉnh, thành đang có thực trạng chỉ kích cầu du lịch trong phạm vi địa phương nên doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành rất lúng túng khi lên kế hoạch tour cho du khách đi đâu và đi như thế nào. Chính vì vậy, mỗi địa phương cần có kế hoạch để thông tin kịp thời cho doanh nghiệp để phát triển sản phẩm tour nội địa. Cùng với đó, các tỉnh, thành nên sớm có bản đồ những điểm lưu trú, tham quan an toàn để khách nắm bắt được và lựa chọn nơi du lịch phù hợp.

Khai thác "vùng trũng" du lịch phía Nam

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là "vùng trũng" tiềm năng về du lịch của cả nước, dù còn nhiều dư địa về phát triển du lịch nhưng chưa phát triển như mong muốn. Chương trình kích cầu du lịch nội địa sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, giúp nơi đây trở thành trung tâm du lịch của khu vực phía Nam và cả nước. Tiếp đó, Chương trình kích cầu du lịch nội địa sẽ mang lại cơ hội lần lượt khu vực Đông Nam Bộ mà trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Nam Trung Bộ và Tây nguyên, Bắc và Trung Trung Bộ, khu vực Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven biển phía Bắc.

Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam (Bài 1) ảnh 3Cần Thơ tổ chức Hội nghị kích cầu du lịch và giới thiệu sản phẩm du lịch sinh thái tại Cồn Sơn. Ảnh: TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử... nên công tác quảng bá xúc tiến điểm đến với du khách trong nước cần được chú trọng hơn. Ngoài ra, muốn chương trình kích cầu phát huy hiệu quả, ngành du lịch địa phương cần có những chính sách ưu đãi phù hợp, cam kết thỏa thuận hợp tác để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đưa du khách về với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

"Đặc biệt, các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần chú trọng phát triển đa dạng mô hình du lịch nông nghiệp, bản địa, trải nghiệm, sinh thái … tạo điều kiện cho du khách khám phá những nét đặc sắc về vùng, miền và từ đó kéo khách ở lại dài ngày hơn. Song song với nỗ lực của địa phương, doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, người làm du lịch ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng nên chủ động tìm giải pháp hướng đến nâng cao giá trị riêng như: Bà con làm du lịch cộng đồng ở đây phải chủ động nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ, sửa sang nhà cửa, vườn tược, tạo thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn và đặc thù địa phương", bà Nguyễn Thị Khánh phân tích thêm.

Chương trình kích cầu du lịch nội địa, đối với khu vực phía Nam sẽ kết nối du lịch cả nước với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; vùng Đông Nam Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…), nhằm thúc đẩy du lịch mang tính liên vùng. Trong đó, hoạt động kích cầu của khu vực này, còn tập trung phát triển sản phẩm từ du lịch, ẩm thực…với sự tham gia của tất cả địa phương trên cơ sở liên kết, hợp tác.

Theo ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này đang tập trung nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất; đầu tư những khu du lịch hấp dẫn và khang trang hơn; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng... Mặt khác, ngành du lịch của tỉnh cũng đã và đang khởi động đa dạng chương trình kích cầu du lịch bằng nhiều mô hình, dịch vụ mới... nhằm thu hút du khách trong thời gian tới.

Còn ông Trần Yên Vinh, Giám đốc Giám đốc khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ cho rằng, khách sạn đang triển khai các chương trình với gói sản phẩm khuyến mãi để cùng với Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa. Theo đó, khách sạn giảm 10% giá phòng và giá thuê địa điểm tổ chức Hội nghị sẽ giảm đến hết ngày 30/9/2020. Ngoài ra, khách sạn sẽ tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị và đào tạo nhân viên, đảm bảo nâng cao tay nghề phục vụ khách tốt nhất. (Còn tiếp)

Mỹ Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm