Người Rơ Ngao là một nhánh của dân tộc Bahnar sinh sống tại làng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà (Kon Tum). Đối với người Rơ Ngao, nghề đan lát được xem như một nét văn hóa rất riêng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của ngành nghề truyền thống, người dân Rơ Ngao chọn sử dụng các vật dụng bằng đan lát trong sinh hoạt, lao động, sản xuất và chú trọng phát triển các sản phẩm để phục vụ du lịch.
Giá trị từ nghề đan lát
Từ nhỏ, ông A Yak (62 tuổi, làng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà) đã biết đến nghề đan lát qua người cha của mình. Trong một lần cùng cha đi vào rừng để tìm kiếm các vật dụng làm gùi, ông đã bị hấp dẫn bởi những câu chuyện xung quanh nghề đan lát mà cha kể lại. Do đó, ông đã kiên trì học hỏi từ cha mẹ và tự tay mình đan thành công một chiếc gùi vào năm 12 tuổi.Đối với người Rơ Ngao, đan lát không chỉ là nghề truyền thống đã gắn liền với bà con nơi đây từ rất lâu đời, mà còn là bản sắc văn hóa của cả cộng đồng dân tộc. Hầu hết trong nhà của mỗi người dân đều có các vật dụng bằng đan lát như chiếc gùi, rổ, nia, đơm cá… Những sản phẩm đan lát được người dân trong làng xem là tài sản quý và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hoặc dùng làm quà tặng khi con cái kết hôn.
Ông A Yak chia sẻ, người Rơ Ngao thường quan niệm rằng tiêu chí để người đàn ông có vợ là phải thành thạo và đan lát được nhiều sản phẩm, đặc biệt là chiếc gùi. Chiếc gùi thông dụng thường có hình trụ, bên trên để trống, bên dưới có đế làm bằng gỗ cây gạo và bên hông có đan dây mây để đeo. Bên cạnh đó, người đàn ông phải đan chiếc gùi có nhiều hoa văn, màu sắc rực rỡ sẽ dễ dàng thu hút được các cô gái trong làng.
Đối với ông A Ub (58 tuổi, làng Kon Trang Long Loi, huyện Đăk Hà), nghề đan lát chính là điểm tựa về mặt vật chất lẫn tinh thần, giúp ông xây dựng được mái ấm gia đình và vượt qua những lúc khó khăn nhất của cuộc sống.
Từ nhỏ, ông A Ub đã chịu nỗi đau mất cha, mẹ và tự bươn chải để nuôi sống bản thân. Vào lúc cơ cực nhất, ông A Ub đã tìm thấy một tia hi vọng sống nhờ vào nghề đan lát. Thời điểm đó, đan một chiếc rổ có thể đem đổi được gần 1 kg gạo. Do vậy, ông cùng với những người bạn trong làng quyết tâm theo học nghề đan lát bằng tất cả nhiệt huyết của mình.
Để có thể đan được một sản phẩm, ông A Ub phải mất 3 ngày để vào rừng tìm kiếm các vật dụng như cây gạo, lồ ô, nứa và dây mây. Sau đó, ông phải mất thêm 2 ngày để gọt, tỉa, trau chuốt các vật dụng và đan hoàn chỉnh sản phẩm. Ông cũng tự mày mò học thêm cách đan đơm cá để bán kiếm thêm thu nhập. Với mức giá dao động từ 100.000 – 250.000 đồng tùy từng sản phẩm, ông A Ub thu về khoảng 2 triệu đồng/tháng từ việc bán sản phẩm đan lát.
Ông A Ub cho biết, ông đã tích góp số tiền trên và mua thêm 2 sào đất để trồng sắn, mang lại nguồn thu nhập bền vững hơn cho gia đình. Thời gian rảnh, ông chế tạo thêm mô hình nhà Rông bằng đan lát để bán cho khách đến tham quan tại làng. Nhiều du khách đánh giá những mô hình của ông làm chắc chắn và đẹp mắt hơn những món quà lưu niệm ở bên ngoài nên đã mua với giá 500 nghìn đồng/sản phẩm. Nhờ vào đan lát, cuộc sống của gia đình ông đã được cải thiện, con cái đã có cơm ăn, áo mặc và được đi học đầy đủ.
Bảo tồn và phát huy nghề đan lát
Dù mang lại nhiều giá trị về vật chất lẫn tinh thần, song nghề đan lát của đồng bào Rơ Ngao nói riêng và các đồng bào dân tộc thiểu số khác tại Kon Tum nói chung đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thế hệ trẻ của đồng bào Rơ Ngao không quá mặn mà với nghề đan lát truyền thống. Ông A Kây – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà cho biết, để giữ gìn nghề đan lát, Phòng thường xuyên phân công cán bộ đến tận làng để tuyên truyền và khuyến khích người dân tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời vận động những người lớn tuổi tại làng Kon Trang Long Loi tổ chức dạy đan lát miễn phí để động viên thế hệ trẻ theo học.
Các cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Hà đã kết hợp cùng già làng đi từng nhà vận động người dân tham gia lớp học. Với những nỗ lực không mệt mỏi, các gia đình dần nhận thức được và động viên con em theo học lớp đan lát tại địa phương. Hiện đã có hơn 20 người tham gia lớp học miễn phí, trong đó có 7 em nhỏ tại làng đã hiểu và đan lát được những sản phẩm đơn giản bằng chính khả năng của mình.
Em Y Dăm (14 tuổi, làng Kon Trang Long Loi) chia sẻ, nhờ sự chỉ bảo tận tình của các cô chú, em đã có thể tự tay đan lát nên được những sản phẩm truyền thống như chiếc nia và gùi. Lớp học đã giúp em hiểu hơn về lịch sử cũng như nét đẹp trong ngành nghề truyền thống của đồng bào mình. Em sẽ cố gắng hết sức học hỏi và nâng cao tay nghề hơn để tiếp tục làm ra sản phẩm mang đậm dấu ấn của địa phương.
Đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà đã tổ chức Lễ thành lập Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi, qua đó tạo bước đệm cho việc quảng bá du lịch nơi đây nói chung và những sản phẩm đan lát của bà con nói riêng. Du khách khi đến đây sẽ được tham quan, mua sắm và trải nghiệm những sản phẩm đan lát thủ công, mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân tộc tại địa phương. Việc này giúp người dân có thêm thu nhập; đồng thời tạo động lực thế hệ trẻ theo đuổi ngành nghề truyền thống, góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa quý báu của cộng đồng dân tộc Rơ Ngao.
Khoa Chương