Ảnh: baodongthap.com.vn |
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, trong những năm gần đây, sản lượng ếch trên địa bàn Đồng Tháp luôn tăng theo từng năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng ếch thu hoạch của toàn tỉnh là hơn 2600 tấn, tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm 2016 và tập trung chủ yếu ở các địa phương như huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc,...
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết, ếch là loài vật dễ nuôi, dễ chăm sóc, thả nuôi không tốn nhiều diện tích. Ngoài việc chăn nuôi ếch trong vèo, nhiều bà con còn tận dụng nguồn phụ phẩm để kết hợp thêm thả cá dưới ao. Các loại cá được thả chủ yếu là cá trê phi, điêu hồng, cá tra, cá sặc rằn,... Trung bình sau 3 - 4 đợt thu hoạch ếch, người dân sẽ thu hoạch một lần cá.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, do lợi nhuận của các năm trước khá cao nên nhiều nông dân dần dần chuyển đổi sang nuôi ếch khá nhiều, chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu hộ gia đình. Từ đó, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu giá ếch giảm liên tục, nhất là trong 2 năm gần đây.
Có kinh nghiệm nuôi ếch nhiều năm, anh Nguyễn Văn Nữa, ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười chia sẻ, vào những thời điểm giá ếch rớt thê thảm, người nuôi vẫn có thể hoàn lại vốn khi kết hợp mô hình trên ếch - dưới cá. Vì vậy, mặc dù giá ếch cứ giảm nhưng nông dân vẫn có thể bám nghề.
Việc bám nghề chờ giá là câu chuyện của phần đông số hộ nuôi ếch trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, giá ếch "lao dốc không phanh" cũng đã khiến cho không ít người nuôi ếch tại Đồng Tháp phải lâm vào cảnh hết vốn - treo vèo và chuyển nghề.
Nuôi ếch 6 năm, với số lượng hơn 100.000 con/năm, anh Nguyễn Hoài Anh ngụ xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh cho biết, những năm đầu, người nuôi ếch kiếm được thu nhập kha khá vì giá ếch tương đối ổn. Nhưng với giá ếch như hiện nay người nuôi phải chịu lỗ từ 3.000 - 4.500 đồng/kg khi xuất bán.
Câu chuyện treo vèo của anh Hoài Anh xuất phát từ giá ếch, nhưng nguyên nhân khiến người sản xuất rơi vào hoàn cảnh điêu đứng là do họ chưa tìm được đầu ra bền vững. Anh Hoài Anh bày tỏ, tập quán sản xuất của người dân là đến mùa thu hoạch sẽ gọi thương lái lại định giá thu mua chứ chưa có ký kết với công ty hay doanh nghiệp nào.
Có sản phẩm trong tay nhưng người nông dân phải trông chờ vào giá cả nhưng giá cả lại tuỳ thuộc vào thị trường, thương lái và thương lái lại e dè với người nuôi. Anh Trần Thiện Chí, một thương lái thu mua ếch thương phẩm sang thị trường Campuchia cho biết, hiện nay, thị trường tiêu thụ ếch khá lớn, từ trong nước cho đến ngoài nước. Song, theo anh Chí, thị trường có nhu cầu tiêu thụ liên tục, nếu ký kết hợp đồng với người nuôi thì sợ người nuôi không cung ứng đủ hàng./.
Chương Đài
TTXVN