Người nghèo vùng biên Bình Phước nỗ lực ổn định đời sống nhờ vốn chính sách

Người dân thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập gặt lúa trồng xen trong vườn cao su tái canh. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Người dân thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập gặt lúa trồng xen trong vườn cao su tái canh. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Với các chính sách hỗ trợ cho người nghèo tại tỉnh Bình Phước, nhiều hộ dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Bù Gia Mập có cơ hội tiếp cận nguồn vốn chính sách, chủ động phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững.

Người nghèo vùng biên Bình Phước nỗ lực ổn định đời sống nhờ vốn chính sách ảnh 1Con đường khu dân cư Tiểu khu 119 thuộc thôn Hai Căn (xã Phú Nghĩa, huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước được bê tông hóa khang trang. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Từng bước thoát nghèo bền vững

Căn nhà mới khang trang của anh Điểu Tâm, ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, có diện tích khoảng 80m2 xây năm 2022, với số tiền 120 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách nhà ở và vốn liếng tích cóp của gia đình. Có căn nhà kiên cố, gia đình anh Tâm không còn lo mưa dột như trước đây nữa. Anh Điểu Tâm chia sẻ: “Từ khi có vốn vay chính sách hỗ trợ làm nhà, gia đình rất mừng và phấn đấu làm ăn thoát nghèo”. Ngoài vốn vay làm nhà ở, anh Tâm còn được vay thêm 40 triệu đồng để chăn nuôi heo và chăm sóc 0,8ha điều của gia đình.

Đến nay, cuộc sống gia đình anh Tâm đã ổn định, có nguồn thu để trả lãi ngân hàng. Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế, anh Tâm cố gắng chăm sóc cây trồng, vật nuôi để vợ con sau này đỡ khổ. Kinh tế ổn định con cái được học hành tốt hơn và có tiền để trả nợ ngân hàng”, anh Điểu Tâm chia sẻ thêm.

Cũng tại huyện biên giới Bù Gia Mập, hàng chục năm qua, gia đình ông Điểu Lý ở xã Bù Gia Mập phải rất vất vả để lo từng bữa ăn hằng ngày. Từ cuối năm 2022, gia đình ông được hỗ trợ 120 triệu đồng từ nguồn vốn để sửa nhà, lắp nước sạch vệ sinh môi trường và vốn phát triển sản xuất theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ: về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn từ 2021-2030, giai đoạn 1: từ 2021-2025.

Cuộc sống gia đình ông Lý đã bước sang trang mới. Ông Điểu Lý cho biết: “Giờ đây cuộc sống sinh hoạt trong gia đình tôi thay đổi nhiều hơn rồi”.

Người nghèo vùng biên Bình Phước nỗ lực ổn định đời sống nhờ vốn chính sách ảnh 2Người dân thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập gặt lúa trồng xen trong vườn cao su tái canh. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số

Với các chính sách hỗ trợ khác, vốn chính sách đã và đang mang lại “điểm tựa” vững chắc cho nhiều hộ nghèo ở vùng biên giới Bù Gia Mập. Những căn nhà kiên cố, khang trang đã góp phần thêm động lực cho người nghèo nỗ lực phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Phạm Sỹ Hoàn cho biết: Thời gian vừa qua, sau khi được tiếp cận nguồn vốn, bà con đã có cuộc sống tốt hơn trước kia. Từ nguồn vốn chính sách đó, bà con rất phấn khởi. Tiếp cận nguồn vốn, bà con được xây nhà, chăm sóc cây trồng, vật nuôi… từ đó ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế tốt hơn.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương phương huyện biên giới Bù Gia Mập đã triển khai đồng bộ hiệu quả nhiều giải pháp. Trong đó, nguồn vốn chính sách là một trong những nguồn lực quan trọng, hiệu quả để giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bù Gia Mập Nguyễn Thị Thoa cho biết, từ đầu năm đến nay, vốn chính sách đã hỗ trợ 32 hộ với số tiền gần 1,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất được triển khai lồng ghép một cách linh hoạt, hiệu quả. Chính quyền địa phương luôn quan tâm nên nguồn vốn chính sách luôn đáp ứng nhu cầu cho bà con nghèo. Việc tiếp cận nguồn vốn chính sách thời gian qua thực sự giúp cho người dân có nguồn vốn thoát nghèo một cách bền vững, cũng như hoàn thành kế hoạch giảm nghèo hằng năm của địa phương.

Huyện Bù Gia Mập là địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn với hơn 36% dân tộc thiểu số sinh sống. Việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều chính sách, cũng như các nguồn vốn chính sách là việc làm thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng khó khăn.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm