Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhiệt độ xuống thấp. Để hạn chế những thiệt hại trong chăn nuôi, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại do giá rét gây ra.
Tại các thôn, bản thuộc vùng lòng chảo huyện Điện Biên, khi thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại, người dân có trâu, bò đã chủ động nhốt gia súc ở chuồng, không thả rông. Để bảo vệ gia súc khỏi gió rét, các hộ chăn nuôi đã dùng bạt gia cố, che chắn chuồng trại cho trâu bò để tránh gió lùa, mưa hắt; thức ăn dự trữ như cỏ, rơm được người dân lấy ra cho gia súc ăn vào những ngày này. Ngoài ra, các hộ cũng đã chủ động có các biện pháp như lót rơm rạ ở chuồng, đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò, pha muối vào nước uống để tăng sức đề kháng cho gia súc.
Theo ông Nguyễn Văn Lai, thôn 11 xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, vào thời tiết rét đậm, rét hại quan trọng nhất vẫn là chuồng trại. Bởi vậy ông Lai đã xây dựng chuồng trại cho trâu bò rộng rãi, khô ráo và đảm bảo kín gió để tránh rét cho gia súc. Bên cạnh đó, ông Lai đã chuẩn bị rơm, rạ từ trước mùa đông để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc dùng trong những ngày giá rét. Ngoài ra, ông Lai cũng tăng thêm cám gạo, trộn ngô cho gia súc ăn và bổ sung thêm nước muối để tăng đề kháng cho trâu bò.
Ông Nguyễn Văn Giới, cùng thôn 11 xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên chia sẻ, trời mưa rét nên gia đình chỉ nuôi nhốt trâu bò trong chuồng, không chăn thả ra ngoài đồng. Gia đình tôi cũng đã căng bạt che chắn gió lùa và dọn vệ sinh chuồng trại khô ráo, sạch sẽ nhằm đảm bảo cho gia súc được giữ ấm. Vào thời điểm sáng sớm khi nhiệt độ giảm sâu, ông Giới đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò.
Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết, xã hiện có hơn 1.000 con gia súc (trâu, bò). Ngay từ trước mùa đông, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn và trưởng các thôn, bản tuyên truyền với người dân tuyệt đối không chăn thả gia súc trong thời tiết rét đậm, rét hại.
Cán bộ khuyến nông và trưởng các thôn bản cũng đã trực tiếp hướng dẫn bà con các biện pháp chăm sóc cho gia súc trong thời tiết giá rét như: gia cố, che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm; tích trữ thức ăn khô để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc; bổ sung thức ăn tinh, tăng cường vệ sinh chuồng trại tránh dịch bệnh cho gia súc; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi;…
Đặc biệt, chính quyền xã cũng đã thường xuyên cử cán bộ chuyên môn đi kiểm tra về việc phòng chống rét cho gia súc tại các thôn, bản. Qua kiểm tra nhận thấy, bà con cũng đã nhận rất rõ trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình và luôn chủ động các biện pháp phòng chống rét cho gia súc vào mùa đông, do vậy những năm gần đây trong xã không có gia súc bị chết rét.
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 210.000 con trâu, bò. Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cũng đã có văn bản gửi các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, vật nuôi.
Theo đó, các địa phương tiến hành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người dân áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; tuyên truyền, khuyến cáo người dân chuẩn bị đầy đủ thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách vật tư, vật liệu để gia cố, che chắn chuồng trại tăng sức chống chịu lạnh cho vật nuôi.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng kiên quyết không hỗ trợ theo quy định đối với các hộ có gia súc bị chết do thả rông trong những ngày giá rét, do không thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rãnh gió Tây trên cao nên từ ngày 21/2, tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa rải rác, có nơi mưa vừa. Trời rét đậm, rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 9 - 11 độ C, Pha Đin và vùng núi cao 4 - 6 độ C, có nơi dưới 4 độ và có khả năng xảy ra sương giá, sương muối.
Xuân Tư