Mô đình trang trại của gia đình chị Cao Thị Nhau tại bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho thu nhập khoảng 100 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam -TTXVN . |
Là một huyện vùng cao, thuộc diện chương trình, Quan Hóa có 17 xã và 1 thị trấn đều thuộc vùng khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt, nền kinh tế nông nghiệp chậm phát triển, tỉ lệ hộ nghèo còn cao.
Do đó, chương trình được xem như nguồn lực giúp người nhân giảm nghèo. Ngoài hỗ hỗ trợ giống gia súc: bò, lợn; giống cỏ trồng chăn nuôi, chương trình 30a còn hỗ trợ tập huấn kỹ thuật để giúp nhân dân phát triển sản xuất.
Để thực hiện chương trình này, huyện Quan Hóa đã hướng dẫn nhân dân xây dựng các mô hình phát chăn nuôi cho hiệu quả cao như mô hình thâm canh cá nước ngọt, mô hình nuôi gà ri lai, mô hình nuôi vịt Cỗ Lũng, mô hình chăn nuôi lợn móng cái sinh sản.
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo nhân dân thực hiện các mô hình trồng trọt gồm gồm mô hình trồng ngô Đông trên đất 2 lúa; mô hình cải tạo vườn tạp, đồi tạp. Huyện cũng tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân áp dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Chị Cao Thị Nhau, trú tại bản Khằm, xã Hồi Xuân cho biết, chị sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái nghèo, gia cảnh chị rất khó khăn. Con lớn đến tuổi đi học, hoàn cảnh càng vất vả hơn, chị và chồng đã làm việc nhiều mà không đủ tiền lo cho gia đình.
Năm 2015, gia đình chị được chương trình hỗ trợ 2 con lợn giống, tham gia lớp tập huấn kĩ thuật chăn nuôi, phát triển sản xuất. Chị quyết định xây dựng mô hình gia trại tổng hợp, ngoài chăn nuôi, chị trồng thêm các loại cây keo, sắn mía, ngô, cùng với đó là chăn nuôi thêm gà, trồng rau màu.
Nhờ sự kiên trì chịu khó, hiện chị đã có 1 gia trại tổng hợp rộng 4 ha bao gồm 25 con lợn, 50 con gà, 2 ha cây keo, 1 ha cây lát; thu nhập bình quân khoảng 90 triệu/năm.
Anh Lũ Văn Túc, trú tại bản Ban, xã Hồi Xuân, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được hưởng sự hỗ trợ của chương trình. Năm 2015, anh được hỗ trợ 2 con lợn móng cái sinh sản, được tập huấn, kĩ thuật chăm sóc lợn, áp dụng khoa học vào sản xuất. Sau khi được cán bộ nông nghiệp huyện chuyển giao kiến thức trồng trọt chăn nuôi, anh đã xây chuồng trại, khai hoang đất để xây dựng một gia trại tổng hợp. Bằng sự chăm chỉ, chịu khó, kinh tế của gia đình anh nay đã ổn định, đàn gia súc, các loại cây ăn quả, lâm nghiệp đều phát triển tốt và cho năng suất cao. Từ một hộ khó khăn, đến nay gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân của gia đình anh khoảng 60 triệu/năm.
Bà Phạm Thị Anh, Phó chủ tịch UBND xã Hồi Xuân cho biết, từ năm 2015, nhà nước hỗ trợ kinh phí cho xã thực hiện chương trình làm 2 đợt, tổng kinh phí khoảng 510 triệu; trong đó, hỗ trợ giống gia cầm, thủy cầm cho 198 hộ, hỗ trợ giống cỏ chăn nuôi cho 90 hộ tại 6 thôn bản, mở 2 lớp tập huấn cho nhân dân với 100 hộ.
Năm 2016, xã Hồi Xuân tiếp tục được nhà nước hỗ trợ 300 triệu để giúp cho nhân dân phát triển sản xuất. Các năm sau đó, ban quản lý xã cũng đã tiếp nhận, cấp phát đầy đủ cho nhân dân theo đúng kế hoạch đề ra; số lợn hỗ trợ cho nhân dân về cơ bản sinh trưởng và phát triển tốt, nhân dân cũng có thêm nhiều kiến thực kĩ thuật để phát triển sản xuất, nhiều hộ đã vượt qua đói nghèo.
Ngoài xã Hồi Xuân, còn nhiều xã khác trong huyện Quan Hóa cũng có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống gia đình sau khi được hỗ trợ. Qua đó cho thấy, chương trình đã phát huy được hiệu quả thiết thực, đặc biệt là việc hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo.
Ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Quan Hóa cho biết thời gian tới, huyện Quan Hóa tiếp tục sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chương trình và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, giúp các hộ dân miền núi nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nguyễn Nam