Người dân kiến nghị sớm khắc phục tình trạng sạt lở do khai thác đá ở huyện Mang Yang

Người dân kiến nghị sớm khắc phục tình trạng sạt lở do khai thác đá ở huyện Mang Yang

Hàng chục hộ dân ở hai xã H’ra và Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề do sạt lở, làm mất diện tích cây trồng và ảnh hưởng đến môi trường sống. Theo người dân, nguyên nhân chính là do hoạt động khai thác đá của Công ty Cổ phần Đá Mang Yang Trang Đức tại khu vực này. Người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Cụ thể, năm 2014, khi Công ty Cổ phần Đá Mang Yang Trang Đức bắt đầu khai thác đá tại khu vực nói trên, đã gây ra hệ lụy cho hoa màu, cây công nghiệp và môi trường tự nhiên của hàng chục hộ dân ở đây. Đặc biệt vào ngày 6/9/2023, vụ sạt lở lớn đã xảy ra, cuốn trôi một phần diện tích đất canh tác và cây trồng của người dân.

Bà Đặng Thị Ngọc Hiền (trú tại thôn Phú Yên, xã H’ra) cho biết: Gia đình bà có 7 sào đất trồng cà phê và sầu riêng có hơn 2 sào đã bị cuốn trôi theo dòng suối Hra. Sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều cây cà phê mới tái canh của gia đình bị nước cuốn trôi. Không chỉ gia đình bà, nhiều gia đình khác cũng bị thiệt hại cà phê, lúa, bời lời… Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Phía bên kia suối H’ra thuộc xã Đăk Ta Ley, tình trạng sạt lở và ngập úng khiến hơn 10 hộ dân người Bahnar bị thiệt hại. Anh Thin (trú làng Kret Krot, xã H’ra) khẳng định, Công ty khai thác đá làm thay đổi dòng chảy khiến cho 3 sào đất trồng lúa của gia đình bị đất, đá và cát vùi lấp gần hết. Không những vậy, gia đình còn khoảng 200 cây cà phê bị vùi lấp gốc cây không biết có phát triển nổi không. Anh mong muốn công ty đền bù thỏa đáng cho người dân, đồng thời trả lại nguyên vẹn thác nước Lồ Ô, nơi gắn liền với cộng đồng người dân nơi đây.

Ghi nhận thực tế tại tuyến đường liên xã H’ra - Đăk Ta Ley ngày 17/10, khoảng 300m đường đã bị ảnh hưởng do sạt lở. Người dân ở đây cho biết, Công ty khai thác đá làm biến dạng dòng suối H’ra, làm xói mòn taluy âm của con đường. Thêm vào đó, những ngày qua, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới càng làm tăng nguy cơ sạt lở cho con đường này. Chính quyền địa phương đã phải cắm biển cảnh báo người dân không nên đi, đứng và tập trung sát mép 2 bên lề đường để phòng sạt lở.

Chị Yuak (38 tuổi, trú tại làng Kret Krot, xã H’ra) bày tỏ lo ngại về nguy cơ sạt lở của đoạn đường. Dân làng rất lo sợ khi đi qua đoạn đường này. Bây giờ, sạt lở sâu hoắm, nguy hiểm lắm. Việc khai thác đá đã làm thay đổi dòng chảy, nước ngày một ăn sâu vào đường, nếu không may có người đi qua mà bị sạt lở, nguy hiểm lắm.

Nhận đơn kiến nghị của người dân, Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang đã yêu cầu Công ty Cổ phần Đá Mang Yang Trang Đức khẩn trương khắc phục, kè chắn phù hợp tại các khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đặc biệt là các vị trí trong khu vực mỏ của Công ty giáp với đường liên xã H’ra - Đăk Ta ley và đất của các hộ dân để đảm bảo an toàn, ngăn chặn kịp thời tình trạng sạt lở.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đá Mang Yang Trang Đức cho rằng, sự việc xảy ra vào tháng 9, do mưa to, nước dâng cao, gây sạt lở hai bên bờ suối. Đây là rủi ro do thiên tai gây ra. Đến nay, chưa có cơ quan nào xác định rõ nguyên nhân sạt lở đất của dân có liên quan đến hoạt động của mỏ đá. Công ty cũng bị thiệt hại nghiêm trọng, 5.000m3 đá bị cuốn trôi, máy móc, thiết bị bị nhấn chìm.

Theo yêu cầu của chính quyền huyện Mang Yang, Công ty đã dừng hoạt động mỏ đá hơn 1 tháng nay và đã chi 1,5 tỷ đồng để rọ đá kè chắn, khắc phục sạt lở. Tính đến ngày 28/9/2023, công tác khắc phục sạt lở ở những vị trí quan trọng đã hoàn thành. Công ty đã hỗ trợ, bồi thường cho 4 hộ dân có đất sản xuất tại xã H’ra, với tổng số tiền trên 140 triệu đồng. Một số hộ dân đề nghị hỗ trợ 300 triệu đồng/1.000m2, Công ty không thể đáp ứng được do thiếu cơ sở. Công ty đang tích cực phối hợp với xã Đăk Ta Ley rà soát để có hướng hỗ trợ cho dân bị thiệt hại ở địa phương này. Bên cạnh đó, quan điểm của Công ty là thực hiện đúng đề án bảo vệ môi trường và phục hồi môi trường sau khai thác”, ông Nguyễn Thành Tâm khẳng định.

Trước đó, vào năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã có quyết định số 106/QĐ-UBND về việc thu hồi 36.200 m2 đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Trang Đức cho Công ty Cổ phần Đá Mang Yang Trang Đức thuê để khai thác khoáng sản đá xây dựng tại hai xã H’ra và Đăk Ta Ley. Thời hạn thuê đất đến ngày 18/12/2023.

Theo kiểm tra của ngành chức năng huyện Mang Yang, khu vực hai bên bờ suối và khu vực đất lân cận bị sạt lở dài khoảng 1.025 m. Chiều dài khu vực bị sạt lở nằm trong phạm vi được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép khai thác cho Công ty Cổ phần Đá Mang Yang Trang Đức là 325 m. Khu vực đất bị sạt lở dọc suối thuộc phần đất của các hộ dân tiếp giáp với khu vực mỏ đá của Công ty là 700 m.

Ông Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H’ra cho biết: Xã đã cử lực lượng đi kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở và có báo cáo gửi lên Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang. Xã đã mời các hộ dân cùng Công ty Cổ phần Đá Mang Yang Trang Đức lên làm việc nhưng chưa thể thống nhất được mức bồi thường. Hiện, Công ty này đã tạm ngưng hoạt động để chờ khắc phục xong tình trạng sạt lở theo yêu cầu của huyện.

Hoài Nam – Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm