Huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) nằm trong vùng U Minh Thượng, có gần 30.500 hộ, trong đó có 4 xã bãi ngang ven biển với tổng số 13.034 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nuôi tôm, cua…
Theo ông Tô Thanh Đoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên, nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, trong đó nổi bật là đường giao thông và kênh mương, cống ngăn mặn, giữ ngọt giúp người dân phát triển kinh tế. Tuy vậy, vấn đề nan giải nhất hiện nay của An Biên là thiếu nguồn nước sạch cho người dân sử dụng, nhất là các xã ven biển.
Để giảm bớt khó khăn về nước sạch sinh hoạt cho người dân An Biên, năm 2017, UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng trạm cấp nước liên xã đặt tại ấp 3 Biển, xã Nam Yên để cung cấp nước sạch cho các xã Tây Yên, Tây Yên A, Nam Yên, Nam Thái và Nam Thái A với công suất 2.500m3/ngày đêm, chiều dài ống dẫn 230 km cung cấp nước sạch cho trên 5.860 hộ.
Bên cạnh đó, trạm cấp nước tại xã Nam Thái đặt tại ấp Bào Trâm, xã Nam Yên, có công suất 500 m3/ngày đêm với chiều dài ống dẫn 25 km, cung cấp nước sạch cho trên 2.200 hộ. Tuy nhiên, do mặt nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn nên một số nơi không khoan được giếng bơm tay để sử dụng; số khác khi có nguồn nước sạch thì người dân không có điều kiện kéo ống nước, lắp đồng hồ để dùng.
Do vậy, từ đầu năm 2020 đến nay, Viện Khoa học tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Ngân hàng Thương mại cổ phần phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD bank) tài trợ cho nhân dân xã Nam Thái 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung miễn phí, với tổng công suất 1.250 m3/ngày đêm.
Ông Lê Thanh Phê, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Đồng Giữa, xã Nam Thái cho biết, ấp có 343 hộ dân nhưng mới chỉ có khoảng 100 hộ ở tuyến kênh 6 Đồng Giữa là có nước sạch sinh hoạt, còn lại gần 250 hộ ở 5 tuyến kênh chưa có nước sạch. Vì vậy, người dân dùng lu chứa nước mưa hoặc đổi nước từ nơi khác.
Trong tháng 4/2020, ấp được tài trợ một máy lọc nước ngọt có công suất 750 lít/ngày đêm, trị giá 100 triệu đồng để sử dụng. Người dân cần nước uống thì lấy, tự nguyện đóng góp, chủ yếu để bù tiền điện. Nhưng do dân cư thưa thớt, việc đi lại gặp trở ngại đường xa nên đa số người dân vẫn mua nước suối để uống dần.
Ngoài tài trợ máy lọc nước uống, trong năm 2019 và mùa khô 2020, nhiều nhà hảo tâm đến tặng cho các hộ dân vùng biển An Biên 4.000 bồn chứa nước, dung tích 1.000 lít, trong đó có 40% cho đồng bào dân tộc Khmer khó khăn.
Ông Võ Văn Trường, người dân ấp Đồng Giữa, xã Nam Thái cho biết, ở xứ ven biển người dân không sợ đói, chỉ lo thiếu nước ngọt sử dụng do nguồn nước bị nhiễm phèn, mặn. Hàng năm, vào mùa khô người dân trong vùng sử dụng nước rất tiết kiệm, dùng nước vo gạo để rửa chén, sau đó tưới rau. Bà con rất mong được đầu tư kéo đường ống nước sạch.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên Tô Thanh Đoàn, qua khảo sát cho thấy vẫn còn 5.660 hộ dân với gần 200 km đường ống ở huyện có nhu cầu lắp đặt đường nước sạch. UBND huyện đã lập tờ trình lên Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn thực hiện.
Hiện nay, toàn huyện An Biên có 5 trạm cấp nước tập trung, cung cấp nước sạch cho 9.982 hộ, đạt gần 33%.
Lê Sen