Để chào đón năm mới và ăn mừng vụ lúa vừa thu hoạch, người Bahnar tại Tây Nguyên thường tổ chức lễ mừng lúa mới để cảm tạ Yang Sri (Thần Lúa). Vào dịp này, những người đàn ông khi làm lễ tạ ơn tại nhà Rông đều khấn cầu Yang Sri ban sức khỏe cho mọi thành viên trong gia đình và mong năm sau dân làng sẽ có vụ mùa bội thu.
Già làng Đinh Xrươnh, làng Yun, xã Yang Bắc, huyện Đắk Pơ (Gia Lai), lễ mừng lúa mới cho biết, đây là nét văn hóa lâu đời của dân tộc Bahnar nói riêng và các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên nói chung. Lễ thường được tổ chức vào dịp cận kề năm mới, ngay sau khi dân làng thu hoạch xong vụ lúa như một nghi lễ đón chào năm mới của dân tộc Kinh. Cho dù năm đó được mùa hay mất mùa thì dân làng vẫn tổ chức cúng cảm tạ Yang Sri.
Theo lời già làng Xrươnh, trước khi gặt lúa, theo thường lệ, mọi nhà sẽ chọn khoảnh lúa tốt nhất, đẹp nhất để dành riêng cho việc cúng Yang Sri. Sau khi gặt lúa, phơi, chất đầy bồ thì số lúa đẹp nhất sẽ được phụ nữ trong gia đình đem rang vừa chín tới rồi bỏ vào cối gỗ, giã thủ công thành cốm. Sau khi được sàng sẩy cho hết vụn cám, cốm lúa mới này sẽ được người dân bỏ vào những nia tre nhỏ, mang lên nhà Rông để cúng Yang Sri.
Lễ vật đi kèm cốm lúa mới của mỗi gia đình người dân tộc Bahnar là một con gà nướng và một ghè rượu. Sau khi già làng hẹn ngày tổ chức, gần đến giờ cúng, già làng Xrươnh nổi một hồi trống giục, đàn ông trong làng vác ghè, mang gà và cốm của gia đình lên xếp vào ngay ngắn, thứ tự trên sàn nhà Rông.
Thời điểm cuối năm thường lạnh và gió, nên đợi thời điểm khoảng giữa trưa, già làng đóng cửa nhà Rông để không gian yên tĩnh, bớt gió. Dân làng tiến hành thắp nến trên mỗi ghè rượu rồi quỳ, khấn Yang Sri ngay trong nhà Rông. Nhịp cồng chiêng do thanh niên trong làng đảm nhận bắt đầu nổi lên, đi vòng quanh khu vực làm lễ. Già làng Xrươnh thay mặt dân làng Yun, cầu khấn trước tại khu vực lễ nhà mình rồi đồng loạt đàn ông trong làng đều làm theo nghi lễ già làng vừa thực hiện; không ngừng đọc lời khấn Yang Sri ban cho dân làng sức khỏe, không đau ốm, bệnh tật và cầu cho cây cối năm sau tươi tốt, mùa màng bội thu...
Dứt tiếng cồng chiêng là phần lễ quan trọng không thể thiếu đó là việc lấy một phần huyết gà, gan gà còn sống bôi lên cột nhà Rông, đây là nghi lễ đánh dấu việc cúng tế của dân tộc Bahnar bắt buộc phải có trong tất cả các lễ hội.
Kết thúc phần lễ, từ chiều hôm đó đến 3 ngày sau là phần hội. Tất cả người dân trong làng tập trung về dưới mái Nhà Rông, tổ chức đánh chiêng, ăn gà và uống rượu; chúc nhau những lời chúc sức khỏe, đoàn kết và được mùa trong năm mới.
Đội cồng chiêng sẽ đi đến từng nhà, đứng đánh một hồi chiêng chúc mừng gia chủ. Chủ nhà sẽ mang quà ra biếu đội cồng chiêng, quà rất mộc mạc, thường là một túi lúa, một giỏ trứng gà hay một bó rau nhưng chứa đầy tình cảm của người dân. Già Xrươnh cho hay, lễ mừng lúa mới ở mỗi nơi, của mỗi dân tộc trên Tây Nguyên có thể sẽ khác nhau chút ít nhưng cơ bản vẫn phải có phần lễ và hội như trên.
Lễ mừng lúa mới của dân tộc Bahnar tại Gia Lai là một trong những nét văn hóa đặc sắc vẫn còn lưu giữ được đến thời điểm hiện tại. Những nét văn hóa đặc trưng này cần được bảo tồn và lưu giữ để các thế hệ con cháu sau này tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Hồng Điệp