Căn nhà gốm sứ của lão nông “gàn” Nguyễn Văn Trường nằm ở cuối con ngõ quanh co, nổi bật hơn tất cả những ngôi nhà xung quanh với cơ man nào là những mảnh gốm vỡ, bình, đĩa đủ loại hoa văn từ hoa điểu, thạch trúc, tam hữu, tùng hạc, lý ngư, phượng vũ, phúc - lộc - thọ… đắp kín ngôi nhà cấp 4 nhỏ.
Những chiếc bát, đĩa bằng gốm sứ được gắn xung quanh nhà ông Trường. Ảnh: TTXVN |
Ấn tượng đầu tiên về lão nông “gàn” Nguyễn Văn Trường là dáng người cao gầy, tóc dài búi tó, nước da ngăm đen ẩn hiện dấu vết thời gian và những thăng trầm mưu sinh. Bằng chất giọng khàn khàn, ông Trường trải lòng về hành trình tạo ra ngôi nhà chẳng giống ai của mình.
Trở về từ chiến trường Campuchia, năm 1986, ông Trường lấy vợ, sinh con. Nhà chỉ có vài sào ruộng, ông Trường đi làm thêm nghề sơn rong bàn ghế thuê để kiếm sống. Nghề sơn rong buộc ông phải đi lại nhiều, nhưng cũng là cơ hội để ông được biết đến nhiều kiến trúc nhà, tìm hiểu các đồ cổ đẹp và trò chuyện với những người ham mê đồ cổ. Và cơ duyên sưu tầm đồ cổ đến với ông Trường từ đó.
Thế rồi, với những đồng tiền ít ỏi có được nhờ chắt chiu, tích cóp và chiếc xe đạp cà tàng, lão nông “gàn” rong ruổi đi khắp các triền sông, vách núi ở Vĩnh Phúc, lặn lội đi Việt Trì, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang... để tìm đồ cổ. Hễ ở đâu, gia đình nào có đồ gốm cũ, đồ cổ hay tiền xu, ông đều tìm đến xem xét, mua về, với giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Rít một hơi thuốc lào, lão nông “gàn” tiếp câu chuyện dở: “Có những chiếc đĩa cổ đã vỡ, người ta ném xuống hồ tôi cũng mua về. Có cái tôi vào mua, họ còn cho không để đỡ chật nhà”.
Cầm chìa khóa mở chiếc hòm tôn cũ kỹ, ông Trường khoe với chúng tôi một mảnh vỡ của chiếc bình gốm từ đời Lý, ông mua với giá 30 ngàn đồng. Với mọi người thì mảnh vỡ ấy không có giá trị, thậm chí là đồ bỏ đi, nhưng với ông đó là cả gia tài, là niềm tâm huyết.
Làm thuê kiếm được bao nhiêu tiền, ông Trường lại dồn hết vào để tìm mua cổ vật. Cứ như thế, trong suốt hơn 20 năm ông đeo đuổi niềm đam mê của mình, mọi khó khăn cuộc sống dồn cả lên đôi vai của người vợ.
Khi căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, không có tiền tu sửa, ông nảy ra ý tưởng xây nhà bằng những cổ vật mình tìm được. Ông Trường chia sẻ: Chỉ bằng cách gắn lên tường nhà, thì các cổ vật sẽ được bảo tồn sẽ không bị ăn trộm, không bị hỏng, vỡ. Điều ông lo nhất là do nghèo túng mà ông sẽ bán đi.
Thế là ban ngày đi làm, buổi tối sau bữa cơm gia đình, ông Trường lại cặm cụi trộn vữa theo công thức 3 xi + 1 cát, rồi tự tay gắn các món đồ tìm được lên tường. Ban đầu là tường trong nhà, rồi tường rào, rồi đến cổng cũng được ông gắn các cổ vật lên.
Những ngày đầu, gắn bát đĩa lên tường nhà, vợ con ông phản đối, hàng xóm cho rằng ông bị dở hơi nên không ai nói chuyện, hay giúp đỡ. Nhưng ông cứ cần mẫn, mỗi ngày một chút, một chút. Vừa gắn cổ vật vào tường, ông vừa tiếp tục tìm cổ vật để làm vật liệu hoàn thiện căn nhà. Cuộc sống khó khăn, không có tiền để đi tìm cổ vật, nhiều lúc ông phải vay tạm bạn bè để lấy tiền xăng đi lại. Đến giờ, bà Hồ Thị Nga, vợ ông Trường vẫn chưa hết ca thán: “Đời tôi khổ vì lấy ông ấy. Ông ấy đi suốt ngày, làm được tiền lại đắp vào cổ vật”. Mỗi lúc như vậy, ông lại vỗ về, an ủi vợ: “Mọi người không hiểu, nhưng bà phải hiểu tôi chứ. Đây là di sản cội nguồn dân tộc nên mình phải gìn giữ”.
Dần dần, hơn 30 năm chung sống, bà Nga đã quen với cái đam mê của chồng. “Nói mãi rồi, ông ấy vẫn cứ thế, nên giờ gia đình cứ mặc kệ ông ấy muốn làm gì thì làm”. Nói vậy, chứ bà Nga vẫn thương chồng lắm. Nhiều khi thấy chồng xót xa trước một món đồ cổ, bà Nga lại bán vội con gà, cân thóc đưa tiền cho ông mua về.
Không chỉ ba gian nhà cấp bốn của ông được gắn kín, trang trí bắt mắt, ông tự mình đắp hòn non bộ, thiết kế khu ngồi uống nước để vừa nhâm nhi chén trà với những người bạn, vừa ngắm đồ cổ của mình. Rồi cứ thế, căn nhà cấp 4 hơn 100 m2 được bao phủ bởi hơn 14.000 cổ vật và hơn 7.000 cân tiền xu.
Ông Trường không nhớ rõ đã gắn bao nhiêu chiếc bát, đĩa cổ lên tường nhưng nếu ai muốn tìm hiểu về nền văn minh ở bất kì triều đại nào ở một đồ cổ vật bất kỳ, ông có thể đọc vanh vách.
Cần mẫn, kỳ công như vậy ngót nghét 20 năm trời, "lão gàn" Nguyễn Văn Trường gần như hoàn thiện được ngôi nhà gốm sứ ưng ý. Tuy vậy, ông Trường cho biết: Ông muốn tiếp tục đi tìm và gắn các cổ vật lên ngôi nhà bếp của mình. Muốn làm được hết cũng phải mất thêm 5 – 7 năm nữa mới có thể hoàn thành. Ông chỉ mong mình còn khỏe để có thể tiếp tục đi tìm cổ vật.
Ông Trường tâm sự, bộ sưu tập đồ cổ của mình tuy đồ sộ nhưng giá trị kinh tế không cao vì đồ ông sưu tầm toàn những đồ vật gắn với cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người nông dân, một phần vì các cổ vật bị sứt, bị vỡ. Cả một đời ông Trường chịu tiếng “gàn dở”, sống trong cảnh nghèo để làm ngôi nhà độc đáo này. Ông Trường hy vọng khi ông nằm xuống, ngôi nhà này sẽ là nơi lưu lại cho đời sau một di sản có giá trị văn hóa.
Hiện nay, ngôi nhà của ông Trường là nơi tìm đến của không ít người dân, khách du lịch và các học sinh, sinh viên yêu thích lịch sử. Lúc đó, ông Trường lại trở thành một hướng dẫn viên, say mê chia sẻ ý nghĩa, gốc tích của từng cổ vật với mọi người. Hy vọng trong tương lai, ngôi nhà của lão nông Nguyễn Văn Trường sẽ là điểm tham quan du lịch ở Vĩnh Phúc, để những di sản được gìn giữ và truyền bá rộng hơn.
Nguyễn Thị Thảo
TTXVN