Du khách lần đầu đến đây sẽ ngỡ như vừa lạc vào xứ sở cổ tích, nơi vẻ đẹp tự nhiên vẫn còn gần như nguyên vẹn. Ảnh: vov.vn |
Khám phá làng pơmu giữa đại ngàn Tây Bắc
Ở Ngọc Chiến có gì hấp dẫn, nổi bật và khác biệt với các điểm đến khác trên cung đường Tây Bắc? đây không chỉ là câu hỏi với những du khách Việt mà ngay cả với những vị khách quốc tế, khi nhắc tới Ngọc Chiến. Tuy nhiên, trên cung đường từ Hà Nội theo hành trình Thanh Sơn - Thu Cúc tới Tú Lệ, Khau Phạ và điểm dừng chân ở xã Ngọc Chiến thì ai cũng sẽ tự trả lời cho mình rằng tại sao nên đến đây. Cái cảm giác thích thú và ai cũng thốt lên: “Nơi đây thật tuyệt, giữa bạt ngàn đá núi lại có một thung lũng đẹp, yên bình đến vậy".
Quả thực, đặt chân tới Ngọc Chiến, cảm giác đầu tiên đối với những người ở nơi xa tới là hình ảnh bình yên của những nếp nhà sàn bằng gỗ pơmu và mái lợp cũng bằng gỗ pơmu thấp thoáng, ẩn mình trong nắng chiều, những rừng cây ngút ngàn tầm mắt và cả những cánh đồng hoa hồng trải dài trong thung lũng đẹp và lãng mạn đến nao lòng, khiến bất cứ ai đã từng một lần đặt chân đến đều khó có thể quên.
Ngọc Chiến hiện có trên 1.000 ngôi nhà sàn của người Thái được làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu với kiến trúc đầu đòn, đầu xà, kèo cột tinh xảo. Nhà có 1 sàn, 2 tầng, 4 mái và một lầu tứ giác nhỏ ở trên bên trái. Nhà được bố trí ngăn nắp, chia thành nhiều gian. Từ nhà này sang nhà kia đều có lối đi sạch sẽ, thoáng đãng. Đây là kiểu bố trí nhà ở khác hẳn so với các bản người Thái khác ở Tây Bắc.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hoá, thông tin huyện Mường La cho biết, nhà sàn gỗ pơ mu xã Ngọc Chiến là kết quả tinh hoa kiến trúc dân tộc Thái trắng vùng này. Sự tồn tại của hơn 1.000 ngôi nhà sàn gỗ pơ mu nguyên bản có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ không chỉ đơn giản là những ngôi nhà sàn, mà ở đó là cái hồn, là sức sống văn hóa dân tộc Thái Trắng xã Ngọc Chiến nói riêng, dân tộc Thái Tây Bắc nói chung được bảo tồn, lưu giữ qua các thế hệ.
Có mặt ở Ngọc Chiến những ngày giữa mùa đông lạnh giá, được sống và cảm nhận văn hoá của người dân tộc Thái, Mông, La Ha của vùng đất này mới thấy sự quý giá khi thiên nhiên ban tặng cho họ cả rừng pơ mu quý hiếm cùng nguồn suối khoáng nóng vô tận. Người dân nào cũng ý thức được phải tận hưởng và bảo vệ rừng là yếu tố sống còn. Bởi với họ, rừng là nguồn sống, đã che trở và nuôi sống bao thế hệ.
Hoang sơ hấp dẫn du khách
Đến với Ngọc Chiến trong những ngày cận Tết, không khí xuân đã bắt đầu hiện hữu trên những cung đường. Bởi Xuân của Ngọc Chiến là những rừng hoa. Hoa nở ở khắp nơi, với đào thắm, ban trắng, trạng nguyên đỏ tươi, đèn lồng xinh xinh màu huyết dụ hay loa kèn, bạch lan điệp trắng muốt. Đặc biệt, có một nét rất đặc trưng là mùa Xuân ở Ngọc Chiến không phải là những cơn mưa xuân phới phới bay, mà vẫn là những đợt rét... rét ngọt. Với chúng tôi, cảm giác này thật tuyệt.
Chúng tôi dừng lại tại Bản Lướt, nơi có một bể tắm khoáng nóng cộng đồng, người dân và du khách có thể xuống tắm và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cộng đồng. Tại đây, người ta tắm lâu để được thỏa thích ngâm mình trong dòng nước ấm lên tới 70 độ C, để được chia sẻ chuyện công việc, tình cảm với nhau.
Trong cái lạnh của vùng núi đại ngàn, giữa nghi ngút khói của các bể tắm khoáng nóng, làm cho con người dịu lại, lắng đọng hơn với những cung bậc cuộc sống.
Du khách đến với Ngọc Chiến thời điểm này đa phần là khách quốc tế đến từ Australia, Canada, Pháp, Italy và du khách Việt đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Mọi người đến với Ngọc Chiến vừa tham quan, khám phá vẻ đẹp nơi đây, vừa ăn tết cùng với dân bản.
Anh Nguyễn Văn Minh, du khách Việt kiều Australia cho hay, lần đầu đến với Ngọc Chiến anh rất vui và thích thú với thiên nhiên và con người ở đây. Đó là sự hùng vĩ của đại ngàn đan xen với những nét văn hoá đặc trưng cộng với ẩm thực vùng Tây Bắc đã tạo nên một Ngọc Chiến rất đẹp trong mắt du khách.
Theo ông Lò Văn Pháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Chiến, Tết ở Ngọc Chiến rất vui, sau lễ giao thừa mọi người đi thăm nhau, chào hỏi chúc mừng năm mới, những ngày sau đó, chính quyền tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao. Hát múa, ngày đêm. Có một hoạt động rất độc đáo là hát then (cúng Then), người dân, nhất là các đôi trai gái yêu nhau, người già mang lễ là những bông hoa đến nhà bà Then để nhờ. Then tạ ơn thần linh, trời đất và xem may rủi, vận hạn trong năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Chiến cho biết, hoạt động này kéo dài từ giao thừa đến ngày mùng 7 tết, có khi kéo dài đến ngày 15 Âm lịch mới hết người xin hát. Ngày mùng 7 tết, toàn xã sẽ tổ chức Lễ cúng Đon hó (nhà thờ tổ) và các nhà thờ họ để tổng kết tết. Sau lễ trưa ngày mùng 7, đàn ông về dọn nhà cửa, trẻ em đến trường, người đi làm ăn, công tác, học tập xa chuẩn bị lên đường, người ở lại thì sẽ bắt tay vào lao động, sản xuất chuẩn bị cho vụ mùa năm mới.
Tại đây, du khách có thể tham gia vào hoạt động vui tết cùng bà con, người Ngọc Chiến tâm niệm: Những ngày lễ, ngày tết, nhà nào càng có nhiều khách đến thăm, đến chơi thì càng may mắn, khỏe mạnh, ăn lên làm ra trong năm.
Do vậy, du khách có thể ở cùng bất cứ gia đình nào khi đến du lịch Ngọc Chiến, được gia chủ đón tiếp như khách quý, cùng làm các công việc hàng ngày và thưởng thức những món đặc sản địa phương như: rượu vạng, rượu táo mèo, xôi nếp Tan, cơm lam, thịt lợn còi, cá nướng, rau cải mèo và không thể thiếu món thịt lợn treo chỉ có ở Ngọc chiến.
Với những lợi thế là điểm đến còn sót lại giữa đại ngàn chưa bị bê tông hoá, du lịch hoá. Đây dự kiến sẽ là điểm đến mới nổi để du khách quốc tế và nội địa lựa chọn cho kỳ nghỉ và khám phá của mình.
Ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc Công ty Du lịch đường sắt Hà Nội cho biết, Ngọc Chiến - Mường La là một điểm đến đẹp và hấp dẫn. Nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp của bản làng với nét hoang sơ, bình dị giữa đại ngàn. Đặc biệt, người dân ở đây có một điểm tắm nước nóng cộng đồng cho người dân trong bản, một nét sinh hoạt rất hấp dẫn của người dân địa phương.
Bà Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty Thiên đường Á Châu cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng, điều quan trọng nhất đối với Ngọc Chiến lúc này là bảo tồn nguyên vẹn những ngôi nhà cổ, nếu có xây dựng thì nên nhờ công ty kiến trúc, quy hoạch du lịch.
“Bảo tồn và duy trì những nếp sống văn hoá, cuộc sống hàng ngày của người dân là việc cần thiết để thu hút khách và phát triển du lịch bền vững. Tránh những việc đáng tiếc trong phát triển du lịch như tại Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai), Bản Lát (Mai Châu- Hòa Bình)…”, bà Biên mong muốn.
Ở Ngọc Chiến có gì hấp dẫn, nổi bật và khác biệt với các điểm đến khác trên cung đường Tây Bắc? đây không chỉ là câu hỏi với những du khách Việt mà ngay cả với những vị khách quốc tế, khi nhắc tới Ngọc Chiến. Tuy nhiên, trên cung đường từ Hà Nội theo hành trình Thanh Sơn - Thu Cúc tới Tú Lệ, Khau Phạ và điểm dừng chân ở xã Ngọc Chiến thì ai cũng sẽ tự trả lời cho mình rằng tại sao nên đến đây. Cái cảm giác thích thú và ai cũng thốt lên: “Nơi đây thật tuyệt, giữa bạt ngàn đá núi lại có một thung lũng đẹp, yên bình đến vậy".
Quả thực, đặt chân tới Ngọc Chiến, cảm giác đầu tiên đối với những người ở nơi xa tới là hình ảnh bình yên của những nếp nhà sàn bằng gỗ pơmu và mái lợp cũng bằng gỗ pơmu thấp thoáng, ẩn mình trong nắng chiều, những rừng cây ngút ngàn tầm mắt và cả những cánh đồng hoa hồng trải dài trong thung lũng đẹp và lãng mạn đến nao lòng, khiến bất cứ ai đã từng một lần đặt chân đến đều khó có thể quên.
Ngọc Chiến hiện có trên 1.000 ngôi nhà sàn của người Thái được làm hoàn toàn bằng gỗ pơ mu với kiến trúc đầu đòn, đầu xà, kèo cột tinh xảo. Nhà có 1 sàn, 2 tầng, 4 mái và một lầu tứ giác nhỏ ở trên bên trái. Nhà được bố trí ngăn nắp, chia thành nhiều gian. Từ nhà này sang nhà kia đều có lối đi sạch sẽ, thoáng đãng. Đây là kiểu bố trí nhà ở khác hẳn so với các bản người Thái khác ở Tây Bắc.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hoá, thông tin huyện Mường La cho biết, nhà sàn gỗ pơ mu xã Ngọc Chiến là kết quả tinh hoa kiến trúc dân tộc Thái trắng vùng này. Sự tồn tại của hơn 1.000 ngôi nhà sàn gỗ pơ mu nguyên bản có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ không chỉ đơn giản là những ngôi nhà sàn, mà ở đó là cái hồn, là sức sống văn hóa dân tộc Thái Trắng xã Ngọc Chiến nói riêng, dân tộc Thái Tây Bắc nói chung được bảo tồn, lưu giữ qua các thế hệ.
Có mặt ở Ngọc Chiến những ngày giữa mùa đông lạnh giá, được sống và cảm nhận văn hoá của người dân tộc Thái, Mông, La Ha của vùng đất này mới thấy sự quý giá khi thiên nhiên ban tặng cho họ cả rừng pơ mu quý hiếm cùng nguồn suối khoáng nóng vô tận. Người dân nào cũng ý thức được phải tận hưởng và bảo vệ rừng là yếu tố sống còn. Bởi với họ, rừng là nguồn sống, đã che trở và nuôi sống bao thế hệ.
Hoang sơ hấp dẫn du khách
Đến với Ngọc Chiến trong những ngày cận Tết, không khí xuân đã bắt đầu hiện hữu trên những cung đường. Bởi Xuân của Ngọc Chiến là những rừng hoa. Hoa nở ở khắp nơi, với đào thắm, ban trắng, trạng nguyên đỏ tươi, đèn lồng xinh xinh màu huyết dụ hay loa kèn, bạch lan điệp trắng muốt. Đặc biệt, có một nét rất đặc trưng là mùa Xuân ở Ngọc Chiến không phải là những cơn mưa xuân phới phới bay, mà vẫn là những đợt rét... rét ngọt. Với chúng tôi, cảm giác này thật tuyệt.
Chúng tôi dừng lại tại Bản Lướt, nơi có một bể tắm khoáng nóng cộng đồng, người dân và du khách có thể xuống tắm và trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cộng đồng. Tại đây, người ta tắm lâu để được thỏa thích ngâm mình trong dòng nước ấm lên tới 70 độ C, để được chia sẻ chuyện công việc, tình cảm với nhau.
Trong cái lạnh của vùng núi đại ngàn, giữa nghi ngút khói của các bể tắm khoáng nóng, làm cho con người dịu lại, lắng đọng hơn với những cung bậc cuộc sống.
Du khách đến với Ngọc Chiến thời điểm này đa phần là khách quốc tế đến từ Australia, Canada, Pháp, Italy và du khách Việt đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Mọi người đến với Ngọc Chiến vừa tham quan, khám phá vẻ đẹp nơi đây, vừa ăn tết cùng với dân bản.
Anh Nguyễn Văn Minh, du khách Việt kiều Australia cho hay, lần đầu đến với Ngọc Chiến anh rất vui và thích thú với thiên nhiên và con người ở đây. Đó là sự hùng vĩ của đại ngàn đan xen với những nét văn hoá đặc trưng cộng với ẩm thực vùng Tây Bắc đã tạo nên một Ngọc Chiến rất đẹp trong mắt du khách.
Theo ông Lò Văn Pháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Chiến, Tết ở Ngọc Chiến rất vui, sau lễ giao thừa mọi người đi thăm nhau, chào hỏi chúc mừng năm mới, những ngày sau đó, chính quyền tổ chức giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao. Hát múa, ngày đêm. Có một hoạt động rất độc đáo là hát then (cúng Then), người dân, nhất là các đôi trai gái yêu nhau, người già mang lễ là những bông hoa đến nhà bà Then để nhờ. Then tạ ơn thần linh, trời đất và xem may rủi, vận hạn trong năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Chiến cho biết, hoạt động này kéo dài từ giao thừa đến ngày mùng 7 tết, có khi kéo dài đến ngày 15 Âm lịch mới hết người xin hát. Ngày mùng 7 tết, toàn xã sẽ tổ chức Lễ cúng Đon hó (nhà thờ tổ) và các nhà thờ họ để tổng kết tết. Sau lễ trưa ngày mùng 7, đàn ông về dọn nhà cửa, trẻ em đến trường, người đi làm ăn, công tác, học tập xa chuẩn bị lên đường, người ở lại thì sẽ bắt tay vào lao động, sản xuất chuẩn bị cho vụ mùa năm mới.
Tại đây, du khách có thể tham gia vào hoạt động vui tết cùng bà con, người Ngọc Chiến tâm niệm: Những ngày lễ, ngày tết, nhà nào càng có nhiều khách đến thăm, đến chơi thì càng may mắn, khỏe mạnh, ăn lên làm ra trong năm.
Do vậy, du khách có thể ở cùng bất cứ gia đình nào khi đến du lịch Ngọc Chiến, được gia chủ đón tiếp như khách quý, cùng làm các công việc hàng ngày và thưởng thức những món đặc sản địa phương như: rượu vạng, rượu táo mèo, xôi nếp Tan, cơm lam, thịt lợn còi, cá nướng, rau cải mèo và không thể thiếu món thịt lợn treo chỉ có ở Ngọc chiến.
Với những lợi thế là điểm đến còn sót lại giữa đại ngàn chưa bị bê tông hoá, du lịch hoá. Đây dự kiến sẽ là điểm đến mới nổi để du khách quốc tế và nội địa lựa chọn cho kỳ nghỉ và khám phá của mình.
Ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc Công ty Du lịch đường sắt Hà Nội cho biết, Ngọc Chiến - Mường La là một điểm đến đẹp và hấp dẫn. Nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp của bản làng với nét hoang sơ, bình dị giữa đại ngàn. Đặc biệt, người dân ở đây có một điểm tắm nước nóng cộng đồng cho người dân trong bản, một nét sinh hoạt rất hấp dẫn của người dân địa phương.
Bà Vũ Giang Biên, Giám đốc Công ty Thiên đường Á Châu cho rằng, để phát triển du lịch cộng đồng, điều quan trọng nhất đối với Ngọc Chiến lúc này là bảo tồn nguyên vẹn những ngôi nhà cổ, nếu có xây dựng thì nên nhờ công ty kiến trúc, quy hoạch du lịch.
“Bảo tồn và duy trì những nếp sống văn hoá, cuộc sống hàng ngày của người dân là việc cần thiết để thu hút khách và phát triển du lịch bền vững. Tránh những việc đáng tiếc trong phát triển du lịch như tại Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai), Bản Lát (Mai Châu- Hòa Bình)…”, bà Biên mong muốn.
Thúy Hiền
TTXVN