Nghiên cứu cảnh báo gia tăng tử vong vì khí hậu nóng ẩm

Người dân mặc áo chống nắng trên đường phố tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 29/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân mặc áo chống nắng trên đường phố tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 29/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng tỷ người trên thế giới có thể phải chật vật đối phó với điều kiện khí hậu nóng ẩm kéo dài trong từng giai đoạn của thế kỷ này, nhất là ở một số thành phố lớn nhất trên thế giới như New Delhi (Ấn Độ) và Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là một trong những kết luận quan trọng của nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ ngày 9/10.

Nghiên cứu cảnh báo gia tăng tử vong vì khí hậu nóng ẩm ảnh 1Theo Cơ quan thời tiết của thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), ngày 29/5/2023 là ngày nóng nhất trong tháng 5 được ghi nhận tại thành phố này trong vòng 100 năm qua, với nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với mức cao kỷ lục trước đó. Trong thông báo đăng trên tài khoản chính thức trên mạng xã hội Weibo, Cơ quan thời tiết Thượng Hải nêu rõ: "Vào lúc 13h09, nhiệt độ tại ga Xujiahui đạt 36,1 độ C, phá kỷ lục các mức nhiệt độ cao nhất trong tháng 5 được ghi nhận trong 100 năm qua". Trong ảnh: Người dân mặc áo chống nắng trên đường phố tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 29/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhóm tác giả, trong bối cảnh khí hậu ngày càng hướng tới các kịch bản nóng lên toàn cầu, sự kết hợp giữa điều kiện thời tiết nắng nóng và độ ẩm tương đối cao có nguy cơ làm gia tăng số người tử vong và hình thái thời tiết như vậy có thể lan sang những khu vực như Trung Tây nước Mỹ.

Nhà nghiên cứu Matthew Huber thuộc Đại học Purdue ở bang Indiana (Mỹ) cho rằng tình hình này “rất đáng ngại”, đòi hỏi huy động một lượng lớn nhân viên y tế để đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc khẩn cấp cho người dân ở những khu vực chịu ảnh hưởng.

Trước đây, một nhóm khoa học nghiên cứu về khí hậu đã thực hiện công trình nghiên cứu tương tự. Dựa trên góc độ nghiên cứu trước đây, công trình mới nói trên tiếp tục đánh giá giới hạn chịu đựng của cơ thể con người trước các điều kiện nắng nóng kèm độ ẩm cao trong không khí, trong tình huống không có bất kỳ sự hỗ trợ nào, từ việc tránh trú trong bóng râm hoặc sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ như máy điều hòa nhiệt độ.

Kết quả cho thấy, nếu nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng 2 độ C so với mức nhiệt thời kỳ tiền công nghiệp, thì mỗi năm có một tuần khoảng 750 triệu người có thể sẽ phải hứng chịu điều kiện khí hậu nóng ẩm có nguy cơ dẫn đến tử vong. Nếu mức tăng nhiệt là 3 độ C thì số người phải đối mặt với nguy cơ nói trên sẽ tăng lên mức hơn 1,5 tỷ người.

Trong những năm gần đây, khí hậu nóng ẩm ở các nước vùng Vịnh, Ấn Độ và Pakistan đã chạm ngưỡng có nguy cơ gây nguy hại đối với sức khỏe con người. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục gia tăng thì điều kiện khí hậu nóng ẩm sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, từ Lagos (Nigeria) đến Chicago (thuộc bang Illinois của Mỹ).

Nếu mức nhiệt tăng 4 độ C, thành phố Hodeidah của Yemen mỗi năm sẽ hứng chịu khoảng 300 ngày khí hậu nóng ẩm có thể không sống sót được.

Để đánh giá độ ẩm và khả năng tản nhiệt của môi trường, các nhà khoa học đã sử dụng đại lượng đo nhiệt độ trong khí quyển mang tên nhiệt độ bầu ướt (wet-bulb temperature). Trong đó, các nhà khoa học phủ một tấm vải ướt lên một nhiệt kế. Quá trình nước bốc hơi khỏi tấm vải này cho thấy cách thức cơ thể con người tự làm mát thông qua đổ mồ hôi.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học của Mỹ đã thử nghiệm đối với những người trưởng thành khỏe mạnh và trẻ tuổi. Kết quả cho thấy, giới hạn chịu đựng của cơ thể con người trong các điều kiện khí hậu nóng ẩm ở mức 30 độ C và 31 độ C. Kết quả này đúng với mọi kịch bản nóng lên toàn cầu từ 1,5 độ C đến 4 độ C. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy cơ thể con người chỉ chịu đựng được điều kiện khí hậu nóng ẩm ở mức 35 độ C trong vòng từ 6 đến hơn 6 tiếng đồng hồ liên tục.

Mặc dù không tham gia nghiên cứu, song nhà khoa học Jane Baldwin thuộc Đại học California (Mỹ) đánh giá kết quả mới nói trên sẽ là một mốc quan trọng đối với những nghiên cứu trong tương lai.

Theo một báo cáo được Liên hợp quốc công bố năm 2022, mức tăng nhiệt độ toàn cầu có thể lên tới 2,8 độ C vào năm 2100 nếu các nước không đẩy mạnh triển khai chính sách giảm phát thải khí nhà kính.

Nguyễn Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm