Nghề truyền thống góp sức cho hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Không chỉ là một phần của văn hoá địa phương, trong xây dựng nông thôn mới, các nghề truyền thống ở Lào Cai đã góp phần không nhỏ vào thực hiện các tiêu chí, hình thành diện mạo nông thôn vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc; tạo việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Đây là một trong những nguồn nội lực giúp các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

vna_potal_lao_cai_co_hon_200_san_pham_dat_tieu_chuan_ocop_7425050.jpg
Các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Lào Cai được bán rộng rãi đến người dân. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Đa lợi ích

Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Lào Cai được coi như "một mũi tên trúng nhiều đích" với nhiều lợi ích. Không chỉ hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề, kế hoạch còn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng thôn, bản, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn mới bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2022 - 2025, các địa phương của Lào Cai từng bước khôi phục và bảo tồn nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, trong đó tập trung bảo tồn và phát triển một số nghề truyền thống, làng nghề truyền thống như làm hương, làm cốm, may - thêu thổ cẩm, mây tre đan, chạm khắc bạc…

Xã Nghĩa Đô nằm cách trung tâm huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai 25km, với địa hình là đồi núi thấp bao quanh khu ruộng nhỏ, dân cư chủ yếu là người Tày (chiếm 97% dân số toàn xã). Đây cũng là vùng đất sở hữu nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc sắc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng và là cái nôi lưu giữ nhiều ngành nghề truyền thống. Điển hình như: nghề may thêu thổ cẩm, đan lát.

Sinh sống tại bản Nà Khương, bà Nguyễn Thị San không chỉ kinh doanh dịch vụ homestay mà còn tham gia thành lập Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống xã Nghĩa Đô với 20 thành viên tham gia; trong đó, bà San trực tiếp làm Giám đốc. Bà San cho biết: các sản phẩm của hợp tác xã đều sử dụng nguyên liệu tại địa phương, thân thiện với môi trường.

Điển hình, trong nghề đan lát, từ nguyên liệu sẵn có từ tự nhiên: giang, nứa, cọ, mây, vầu... người Tày ở đây đã tạo ra nhiều vật dụng thiết yếu trong gia đình thay thế hoàn toàn sản phẩm công nghiệp. Điều đặc biệt trong các sản phẩm đan lát ở Nghĩa Đô so với các địa phương khác đó là kỹ thuật nhuộm nan. Các thanh nan đủ màu sắc rực rỡ tượng trưng cho ngũ hành tương sinh đều được nhuộm từ các sản phẩm trên rừng hoặc quanh vườn của người Tày ở đây với kỹ thuật độc đáo.

Ví dụ, để làm màu đen, người dân phải lấy củ nâu bào nhỏ, ống giang cạo bỏ vỏ bên ngoài, sau đó dùng củ nâu xát vào nửa ống giang, rồi dùng tay quệt nhọ nồi phủ bên ngoài thì sẽ được màu đen bóng, bền, rất đẹp. Sản phẩm đan xong thì hơ qua trên lửa cho bóng đẹp, tránh bị mối mọt… Tương tự, nan màu vàng sẽ được nhuộm từ củ nghệ, màu tím được nhuộm từ các loại cây thảo dược cùng với quá trình xử lý công phu để màu lên tươi, bền.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô Lý Văn Nội cho biết: Các sản phẩm chăn thổ cẩm, dây đeo và các sản phẩm đan lát... của hợp tác xã được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Từ đó, tạo việc làm mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương; đồng thời, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân về ý thức bảo tồn các nghề truyền thống.

Hiện tại, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai có gần 100 hộ vẫn duy trì nghề truyền thống làm hương để dùng trong gia đình và phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tại các địa phương trong tỉnh. Cấp ủy, chính quyền xã cũng đã vận động, tuyên truyền bà con gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập, vừa để xây dựng thành nơi trải nghiệm sắc màu văn hóa của đồng bào Giáy, Tày khi khách du lịch đến Hợp Thành tham quan, nghỉ dưỡng.

Không chỉ có nghề làm hương, ở Hợp Thành, bà con người Tày, Giáy còn duy trì nghề làm cốm, trở thành sản phẩm đặc sắc, gắn với văn hóa truyền thống, chợ phiên. Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, nghề làm cốm đã tạo cho Hợp Thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn khi duy trì tổ chức lễ hội “Hương cốm Hợp Thành” thường niên. Đồng thời, gắn với các cuộc đua xe đạp trải nghiệm mùa lúa chín ở Hợp Thành... Đến nay, diện mạo nông thôn của xã Hợp Thành đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân từng bước nâng lên, thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/năm.

Theo Chi cục phát triển nông thôn Lào Cai, tính đến tháng 7/2024, tỉnh Lào Cai đã công nhận được 10 làng nghề, 20 nghề truyền thống và 20 làng nghề truyền thống. Việc phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống tại Lào Cai thời gian qua đã từng bước chuyển hướng tập trung vào phát triển các sản phẩm hàng hóa, tạo thành các chuỗi liên kết theo tinh thần Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Lào Cai, việc bảo tồn, phát triển làng nghề trong bối cảnh hiện nay là đòi hỏi cấp thiết nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bố trí lại lao động và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện.

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 11 làng nghề, 21 nghề truyền thống và 13 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả. Thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu khôi phục, bảo tồn được ít nhất 8 làng nghề, 32 nghề truyền thống và 18 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 5 làng nghề, 5 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống; phát triển 4 làng nghề, 2 làng nghề truyền thống gắn với du lịch. Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung thực hiện 11 nhóm giải pháp; trong đó, đặc biệt chú trọng hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới theo hướng tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng lớn.

Cùng với đó, Lào Cai hỗ trợ thúc đẩy gây dựng, phát triển làng nghề mới; phổ biến, nhân rộng nghề truyền thống; đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm, hình thành các cơ sở sản xuất mới tại địa phương; đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề.

Địa phương xác định phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực (ớt, mây tre đan, thêu dệt,...) tại vùng có điều kiện phù hợp; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư nhằm phát triển vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức lại sản xuất làng nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, chú trọng thiết kế, xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, tham quan, giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống, liên kết chặt chẽ với các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của làng nghề và các sản phẩm của địa phương; hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm liên kết theo chuỗi giá trị...

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm