Nghệ thuật Xòe Thái - biểu tượng văn hóa gắn kết cộng đồng

Nghệ thuật Xòe Thái - biểu tượng văn hóa gắn kết cộng đồng

Xòe Thái là một loại hình sinh hoạt văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái ở khu vực Tây Bắc nước ta. Từ bao đời nay, Xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội cũng như đời sống văn hóa, văn nghệ của người dân. Ngày nay, Xòe Thái trở thành sợi dây kết nối cộng đồng và là "nguyên liệu" đặc hữu để các địa phương phát triển du lịch.

Gắn kết cộng đồng

Trong kho tàng dân ca dân vũ của dân tộc Thái, Xòe chiếm một lượng lớn và có vị trí rất quan trọng. Người Thái múa Xòe, không chỉ nhằm thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, với tâm linh theo quan niệm âm dương ngũ hành xuất phát từ văn minh lúa nước, mà còn thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc. Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động đầy tính lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội.

Đặc biệt, Xòe Thái có tính bình đẳng rất cao. Khi đã vào vòng Xòe, không còn phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp. Trong bất cứ tiệc lớn, tiệc nhỏ như: Mừng nhà mới, đám cưới hoặc Xên bản, Xên mường mà không Xòe thì họ coi bữa tiệc đó không vui, không thành công. Chính vì vậy, Xòe đã trở thành một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày của đồng bào Thái vùng Tây Bắc.

Nghệ thuật Xòe Thái - biểu tượng văn hóa gắn kết cộng đồng ảnh 1Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Xòe Thái là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: TTXVN

Nói về nguồn gốc của những điệu Xòe, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến lý giải: Mường Lò là đất tổ của người Thái Đen. Ngay từ khi đặt chân đến vùng đất màu mỡ, trù phú nhưng còn hoang sơ này, những người tiên phong trong cuộc sinh cơ lập nghiệp luôn phải chống lại kẻ thù 2 chân và 4 chân. Xòe phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông đoàn kết chống kẻ thù, tạo nên sức mạnh trị thủy, khai phá đất đai và mong ước một cuộc sống sinh sôi nảy nở. Không những thế khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, người Thái dần dần nhận thức rõ về vũ trụ, mối quan hệ thiên - địa - nhân và vai trò của con người trong mối quan hệ tổng hòa đó. Những điệu Xòe ra đời như một sự tất yếu hàm chứa những giá trị văn hóa nhân sinh cao đẹp, triết lý sâu sắc, ẩn chứa trong từng động tác, từng điệu Xòe.

Những điệu Xòe không khác gì một xã hội thu nhỏ của người Thái, phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian Thái. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí, Xòe ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên. Qua mỗi điệu Xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu đời, yêu người để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu sáng trong vô hạn. Qua những điệu Xòe người ta còn thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thủa sơ khai cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, Xòe phản ánh hiện thực cuộc sống, bởi vậy có giá trị giáo dục đạo đức, góp phần làm nên một bản sắc cốt cách văn hóa không thể pha trộn. Xòe tăng giá trị biểu cảm, đồng thời góp phần khẳng định bản chất con người của người Thái, kiên cường bất khuất, dũng cảm khiêm tốn, sáng tạo và cần cù hướng con người tới lý tưởng cao thượng, lối sống lành mạnh bồi đắp cho các thế hệ những tư tưởng tình cảm cao đẹp.

“Xòe không chỉ để thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ, mà còn là tri thức dân gian có tác dụng kích thích phát triển của con người, góp phần giúp con người thêm tự nhiên, sống thuận với tự nhiện, biết điều chỉnh hành vi, lối sống cho phù hợp với đạo làm người. Xòe Thái là giá trị phi vật thể vô giá trong kho tàng văn hóa Thái nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung mang một sắc thái riêng, mang tính cội rễ từ thủa mở cõi”, Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến nhấn mạnh.

Nghệ thuật Xòe Thái - biểu tượng văn hóa gắn kết cộng đồng ảnh 2Các cô gái Thái tham gia điệu xoè truyền thống. Ảnh: TTXVN

Ngày 15/12/2021, Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự ghi danh này thêm một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, của loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng. Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh là niềm vinh dự, tự hào của cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng. Cùng với niềm vui về sự vinh danh là trách nhiệm về công tác bảo tồn, để di sản sống mãi trong cộng đồng.

Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật xòe Thái vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng minh sức sống mãnh liệt, vị trí đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này của không chỉ đồng bào người Thái, mà còn của chung cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hóa đất nước, tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc Thái và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Tài nguyên phát triển du lịch cộng đồng

Người Thái ở Việt Nam sinh sống trải dài từ vùng Tây Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình) đến miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Với người Thái ở Tây Bắc hiện nay thì Xòe là một loại hình múa dân gian phổ biến trong sinh hoạt văn hóa truyền thống của tộc người này. Vào cửa ngõ của Tây Bắc, đến thung lũng Mai Châu, chúng ta đã gặp Xòe, qua Mường Mai, Mường Muổi (Quỳnh Nhai, Sơn La), Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), ngược lên Mường So (Phong Thổ, Lai Châu), hay Mường Lay (Điện Biên) chúng ta đều gặp những điệu Xòe của những người con gái Thái trong trang phục áo cóm duyên dáng.

Đối với đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc, Xòe gắn liền với đời sống của đồng bào. Người Thái Xòe trong lễ hội mùa xuân, trong lễ xên bản, xên mường, Xòe trong lễ mừng mùa của cộng đồng, trong lễ lên nhà mới, trong đám cưới và Xòe trong các cuộc liên hoan văn nghệ, trong các sự kiện chính trị của các địa phương để giao lưu, kết bạn và kết nối cộng đồng trong những vòng Xòe. Mỗi người khi tham gia vào vòng Xòe đều cảm thấy mình là một phần của cộng đồng. Sức sống của Xòe Thái đã trở thành một nét đẹp văn hóa, món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Xòe là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời xòe được coi là phương tiện giao tiếp kết nối mọi người xích lại gần nhau và xòe đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, là “tài sản” của các dân tộc sinh sống trên rẻo cao Tây Bắc.

Nghệ thuật Xòe Thái - biểu tượng văn hóa gắn kết cộng đồng ảnh 3Với những nét đặc trưng độc đáo, lại được các thế hệ người Thái bảo tồn và phát triển, Xòe Thái đã thực sự trở thành tài sản văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng. Ảnh: TTXVN

Là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, Xòe Thái mang trong mình những giá trị văn hóa - nhân văn đặc sắc, trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng; một tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Khi du lịch đang được đẩy mạnh ở để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Xòe Thái trở thành "nguyên liệu" đặc hữu cho công nghiệp du lịch cần được tổ chức khai thác, phát huy tác dụng phù hợp, hiệu quả để tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng, tạo sức hút cho du lịch ở các địa phương có Xòe Thái.

Trong cảm nhận của nhiều du khách, vùng đất Tây Bắc có tài nguyên du lịch văn hóa phong phú là kho tàng văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì, Khơ Mú… trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật Xòe của người Thái. Những điệu múa Xòe mang đậm chất núi rừng Tây Bắc của những cô gái dân tộc Thái trong trang phục truyền thống đã mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên khi đến Tây Bắc. Ngày nay, nghệ thuật Xòe đã trở thành một sản phẩm du lịch khi du khách đến với bản làng của người Thái ở Tây Bắc; góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng phục vụ du khách tham quan.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phương thức tiếp cận quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái gắn với phát triển du lịch là tăng cường sự tham gia của cộng đồng, bởi đây là yếu tố quan trọng để các giá trị của Xòe Thái được bảo tồn và phát huy đầy đủ nhất. Nghệ thuật Xòe Thái là nguồn lực sẵn có để phát triển văn hóa và du lịch cộng đồng phục vụ cho lợi ích của người dân.

Cách tốt nhất là để di sản văn hóa “được sống” trong chính cộng đồng và trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc tộc người. Điều này không chỉ tôn vinh, bảo tồn, phát huy được giá trị của nghệ thuật xòe Thái mà còn làm cho nghệ nhân có thể sống được bằng nghề, người yêu nghệ thuật xòe Thái có không gian để sinh hoạt và thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Phương Lan

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm