Nghệ sỹ Lê Hương Lý “giữ lửa” cho các làn điệu chèo cổ vang mãi

Nghệ sỹ Lê Hương Lý “giữ lửa” cho các làn điệu chèo cổ vang mãi
Bà Lê Hương Lý luyện tập cùng các thành viên trong CLB Đàn hát dân ca và Chèo tỉnh Tuyên Quang. Ảnh baotuyenquang.com.vn
Bà Lê Hương Lý luyện tập cùng các thành viên trong CLB Đàn hát dân ca và Chèo tỉnh Tuyên Quang. Ảnh baotuyenquang.com.vn

Hơn 35 gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, nghệ sỹ Lê Hương Lý đã đem hết tâm sức vào từng câu hát, vai diễn và đã để lại dấu ấn trong lòng công chúng với các vai chèo cổ như: Súy Vân giả dại, Lý Trưởng mẹ Đốp, Thị Mầu lên chùa hay các vai diễn trong vở chèo hiện đại như: Cô Chăm trong vở Núi rừng nổi dậy, Xà nương trong vở Cái chết của nàng SuZu, cô Mây trong vở Tiếng sáo rừng xanh... Nghệ sỹ Lê Hương Lý tâm sự: Nghệ thuật chèo vốn có từ nhân dân, với chất mộc mạc mà tinh tế, giản dị mà trữ tình. Bà yêu chèo như yêu chính bản thân mình và hát chèo bằng cả tâm hồn. Những làn điệu chèo đã giúp bà quên đi mệt mỏi, ưu phiền của cuộc sống. Với bà, một ngày không được hát chèo, chưa được nghe chèo, đó không phải là một ngày trọn vẹn.

Năm 2013, sau khi nghỉ hưu, với mong muốn làn điệu chèo được gìn giữ và phát triển, nghệ sỹ Lê Hương Lý đã tập hợp những người có chung niềm đam mê chèo và thành lập Câu lạc bộ Đàn hát dân ca và Chèo tỉnh Tuyên Quang. Đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút 27 thành viên trong độ tuổi từ 40 đến 70 tuổi. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Nghệ sỹ Lê Hương Lý luôn tự nhủ, bên cạnh việc nghiêm túc với nghề còn phải truyền được cảm hứng, tình yêu, sự say mê đến mỗi thành viên. Vì vậy, mỗi buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, bà đã tận tình chỉ cho mọi người cách hát, cách luyến láy, lấy hơi, ngắt nhịp từng câu, từng chữ của những làn điệu chèo cổ, chèo mới. Nhờ vậy, nhiều người từ chưa biết hát đã hát thành thạo, tự tin tham gia biểu diễn nhiều chương trình giao lưu trong và ngoài tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Phượng, thành viên Câu lạc bộ Đàn hát dân ca và Chèo tỉnh Tuyên Quang nhớ lại: "Lần đầu tiên tham gia Câu lạc bộ, tôi được chị Lý tập và giao đóng vai mẹ Đốp, tôi bảo xấu thế tôi chẳng nhận. Được chị Lý phân tích từng nét hay, cái đẹp tôi đã hiểu và đam mê. Khi tham dự Liên hoan thành phố, tôi đoạt giải xuất sắc. Từ đó, lòng đam mê hát chèo càng rực cháy trong tôi…"

Mặc dù điều kiện tập luyện của các thành viên trong Câu lạc bộ hết sức thiếu thốn, trang thiếu bị tập luyện chỉ là những dụng cụ đơn sơ, nhưng tất cả các thành viên đều trình kiên trì tập luyện, với niềm đam mê, hết mình vì nghệ thuật chèo.

Ngoài truyền dạy và “giữ lửa” cho các làn điệu chèo, trong những năm qua, nghệ sỹ Lê Hương Lý còn sáng tác được hơn 30 ca khúc chèo, hát văn thấm đẫm hơi thở cuộc sống, tình yêu quê hương, đất nước trong đó có thể kể đến như ca khúc: Gửi anh chiến sỹ đảo xa, Cách mạng tháng Tám thành công, Du Xuân trẩy hội Tuyên Quang, hát văn Chiến thắng Điện Biên; đạo diễn nhiều hoạt cảnh chèo như: Đường về trận địa, Hát về mẹ Việt Nam Anh hùng, Mối tình chung thủy...

Bà Đinh Thị Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang cho biết: nghệ sỹ Lê Hương Lý là người rất là tâm huyết với nghệ thuật hát chèo. Sau hơn 6 năm xây dựng Câu lạc bộ, bà đã cùng với các thành viên Câu lạc bộ đã khôi phục, dàn dựng lại một số trích đoạn của hát chèo cổ được đánh giá rất cao trong các lần tham dư liên hoan trong và ngoài tỉnh… Với tất cả nhiệt huyết, tình yêu với nghệ thuật truyền thống của dân tộc, Nghệ sỹ Lê Hương Lý cùng những thành viên Câu lạc bộ Đàn hát dân ca và Chèo tỉnh Tuyên Quang đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn để làn điệu chèo ngân vang mãi khắp núi rừng xứ Tuyên.

Vũ Quang Đán

Có thể bạn quan tâm