Nghề nuôi ong lấy mật không những tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn, tăng thu nhập mà còn giúp cho quá trình thụ phấn hoa cho các loài cây trồng, bảo vệ tính đa dạng sinh học của các loài thực vật trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn nhận định, nuôi ong lấy mật ngày một phát triển, song việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của người dân vẫn còn hạn chế, chưa có sự gắn kết giữa người nuôi với nhà khoa học và quản lý, chủ yếu vẫn dựa vào các yếu tố tự nhiên; quy mô nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo được sản lượng lớn để phục vụ nhu cầu thị trường. Điều kiện, nguồn lực kinh tế của người dân còn hạn chế nên việc đầu tư phát triển đàn ong còn cầm chừng; các chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi ong chưa tạo được động lực thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chất lượng sản phẩm tốt nhưng việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm hạn chế, thị trường tiêu thụ không ổn định...
![]() |
Ảnh minh họa |
Để thúc đẩy nghề nuôi ong lấy mật phát triển, bảo vệ chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong Bạc hà, tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển nghề nuôi ong Bạc hà được tỉnh tổ chức tại huyện Yên Minh vào tháng 11.2015, đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Phát triển nuôi ong lấy mật ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc được tỉnh xác định là 1 trong 6 sản phẩm tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2016; thống nhất 4 huyện chỉ có 1 sản phẩm mật ong Bạc hà duy nhất đã được cấp chỉ dẫn địa lý.
Do đó, đối với 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn cần chủ động, tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh, tổ chức đào tạo nghề nuôi ong cho các hộ dân; hình thành các tổ sản xuất, nhóm sở thích, doanh nghiệp, HTX nuôi ong để làm cơ sở, chỗ dựa hướng dẫn chăn nuôi, làm đầu mối thu mua, đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người dân; xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng phát triển nuôi ong gắn với sản xuất nông nghiệp và du lịch. Đặc biệt, các huyện vùng Cao nguyên đá cần quyết liệt hơn trong vấn đề quản lý, có cơ chế bắt buộc di rời các tổ chức, cá nhân đưa đàn ong ngoại vào nuôi. Đối với các sở, ngành liên quan của tỉnh cũng cần sớm đưa ra các giải pháp hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi ong, bao tiêu và quảng bá sản phẩm mật ong Bạc hà; kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi làm giả, hàng nhái vi phạm chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Bạc hà; xây dựng quy trình hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, giữ giống ong đơn giản theo thực tiễn từng địa phương.
Bằng sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, hy vọng nghề nuôi ong lấy mật của tỉnh nói chung và trên vùng Cao nguyên đá nói riêng sẽ phát triển nhanh, bền vững hơn trong thời gian tới.