Nghệ nhân Ksor Krôh bên những đứa con tinh thần |
Theo nghệ nhân Ksor Krôh, để biến một khúc gỗ vô tri, vô giác thành nhân vật sống động, người tạc tượng phải biết cách chọn gỗ, nắm vững từng thao tác, chi tiết nhỏ nhất để tạo hình phù hợp. Cái khó nhất là lột tả được thần thái của nhân vật: người đàn ông ngồi uống rượu ghè, người mẹ địu con, người phụ nữ đang gùi nước, người đàn ông đánh trống… Mỗi bức tượng có sắc thái biểu cảm khác nhau, có thể là vui mừng, hạnh phúc hoặc đau khổ, chờ đợi… Phải là người có trí tưởng tượng phong phú, có kinh nghiệm và đôi tay khéo léo thì mới lột tả được cảm xúc trên gương mặt từng nhân vật.
Tạc tượng đối với nghệ nhân Ksor Krôh là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao khi sản phẩm của mình làm ra không chỉ đặt ở nhà mồ mà còn được trưng bày ở nhà rông của làng, tham gia vào các lễ hội để giới thiệu đến mọi người về nét văn hóa độc đáo của người Jrai. Bởi thế, ông luôn dành hết tâm huyết vào nghệ thuật tạc tượng. Với năng khiếu Yàng ban, ông đã tạo ra hàng trăm tượng gỗ có linh hồn, có số phận.
Đã bao năm gắn bó với nghề tạc tượng, nghệ nhân Ksor Krôh luôn trăn trở: “Bây giờ rất ít thanh niên trong làng thích và theo học tạc tượng, nhưng hễ có ai theo học thì mình cũng như các nghệ nhân lớn tuổi trong làng đều nhiệt tình truyền dạy lại để bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc”-nghệ nhân Ksor Krôh chia sẻ.
Bà Rơ Châm H’Ngoan - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka cho biết: “Nghệ nhân Ksor Krôh là một trong số rất ít nghệ nhân tạc tượng giỏi của xã Ia Ka. Trong các chuyên đề bảo tồn văn hóa của dân tộc Jrai, Bahnar của xã, huyện, nhất là bảo tồn nghề tạc tượng, chúng tôi thường mời nghệ nhân Ksor Krôh tham gia và truyền dạy lại cho lớp trẻ. Cái quan trọng là truyền nhiệt huyết, đam mê để thế hệ trẻ tham gia giữ gìn nghề truyền thống của cha ông mình, giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Jrai”.
Theo baogialai.com.vn