Nghệ nhân hơn 70 năm gìn giữ di sản Quan họ

Nghệ nhân hơn 70 năm gìn giữ di sản Quan họ

Đến thăm cụ Bàn vào một buổi sáng mùa đông, mặc dù ở tuổi thất thập cổ lai hi nhưng cụ vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Thấy có khách đến chơi, cụ liền ca một bài Quan họ cổ rồi mời khách xơi nước. Đầu chít khăn mỏ quạ, trong bộ quần áo màu nâu truyền thống vùng Đồng bằng Bắc bộ, hai tay thoăn thoắt têm trầu cánh phượng – miếng trầu mà mỗi khi khách đến chơi nhà, người Quan họ thường mang ra mời khách. 

Dù đã trên 80 tuổi, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bàn (trái) vẫn nhiệt tình truyền dạy, uốn nắn cho những người yêu hát Quan họ trong làng. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
 Dù đã trên 80 tuổi, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bàn (trái) vẫn nhiệt tình truyền dạy, uốn nắn cho những người yêu hát Quan họ trong làng. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN

Cụ Bàn tâm sự: Được sinh ra trong gia đình có truyền thống hát Quan họ nên ngay từ ngày còn nhỏ, thông qua lời ru, tiếng hát của bà, của mẹ đã hun đúc tình yêu Quan họ, nuôi dưỡng tâm hồn cụ. Năm 7 tuổi, cha cụ mất, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ gạo nuôi con, cụ được mẹ cho xuống ở với bà ngoại (một trong ít gia đình trong làng có nhà chứa quan họ). Từ đó, cụ được thường xuyên tiếp xúc với Quan họ thông qua những buổi sinh hoạt chung của các liền anh, liền chị và hoạt động truyền dạy Quan họ của nhân dân nơi đây. Ban đầu cụ chỉ dám học lỏm các anh, chị đi trước, nhưng sau thấy cụ vừa có tố chất lại đam mê Quan họ nên cụ được nhận theo học chính thức. Mặc dù nhỏ tuổi nhất trong nhóm học, nhưng vốn là gia đình có truyền thống, thầy dạy câu nào là cụ thuộc câu đó, những câu khó nhất cụ cũng chỉ học trong vòng 3 tối. Lên 9 tuổi cụ đã thuộc, hát rành mạch hơn 100 bài Quan họ cổ. 

Dù tuổi cao nhưng cụ Bàn vẫn giữ được chất giọng vang, rền, nền, nảy, cùng vốn liếng hơn 300 bài Quan họ cổ. Cụ đã hăng say truyền dạy cho hàng trăm người yêu Quan họ nhiều thế hệ. Đội Quan họ của làng Diềm dưới sự hướng dẫn của cụ Bàn nhiều năm đạt giải cao trong các cuộc thi hát Quan họ của tỉnh Bắc Ninh. Với tâm nguyện còn sức còn cống hiến, cụ Bàn đang phụ trách truyền dạy 3 nhóm Quan họ trong làng, là khách mời dạy quan họ trong trường học. Cụ Bàn cho biết: Không chỉ những người trong làng mà điều đáng mừng có rất nhiều đoàn khách, đặc biệt là thế hệ trẻ đam mê Quan họ, do không thể đến nhà cụ tập luyện thường xuyên, họ còn mang điện thoại, máy ghi âm, ghi lại những câu hát của cụ về nhà tập theo. 

Tuy nhiên, điều mà cụ trăn trở nhất vẫn là giới trẻ ngày nay thường hát các giọng kim, những bài Quan họ cổ rất khó học, nên những bài này đang dần bị lãng quên. Mong muốn lớn nhất của cụ là các cơ quan chức năng cần có kế hoạch bảo tồn những bài Quan họ cổ như sưu tầm tài liệu giấy, hình, mang Quan họ cổ vào trong trường học, từ đó có kế hoạch truyền dạy cho con cháu nét văn hóa tiêu biểu của người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc, những tinh hoa văn hóa dân tộc. 

Văn hóa mời trầu cũng là một trong những lối “chơi” Quan họ. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN
 Văn hóa mời trầu cũng là một trong những lối “chơi” Quan họ. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN

Với những đóng góp to lớn trong bảo tồn di sản, tháng 4/2010, cụ Bàn là một trong số 40 người được vinh danh là Nghệ nhân Dân ca quan họ Bắc Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phong tặng. Năm 2015, cụ vừa được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Danh hiệu lớn lao này chính là động lực để đội ngũ nghệ nhân phát huy tâm huyết, trách nhiệm của mình trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ./. 


 

Có thể bạn quan tâm