Nghề chằm nón lá Bình Định trên đất Bạc Liêu

Nghề chằm nón lá Bình Định trên đất Bạc Liêu
Những chiếc nón lá được người thợ thủ công tỉ mỉ may viền


Se duyên với đất Bạc Liêu
Làng nghề chằm nón lá nổi tiếng thường phải kể đến Huế, Bình Định... Đây là những nơi có nghề chằm nón lá tồn tại lâu đời và trở thành nét truyền thống.
Xuất thân từ người con của đất võ Bình Định, ông Lê Chí Trung (40 tuổi) chủ cơ sở sản xuất nón lá Trung - Dung tại TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) - tâm sự: Cách đây gần 19 năm, nhà ông chọn đất Bạc Liêu là nơi “đỗ bến” cho nghề chằm nón của gia đình. Bởi nhận thấy mặt hàng này rất ưa chuộng ở miền tây và nơi đây làng chằm nón còn ít ỏi. Đặc biệt là gia đình có ý muốn tìm kế sinh nhai và phát triển nghề truyền thông nơi miền đất mới…
Ông Trung, chia sẻ: “Nghề chằm nón của gia đình có từ thời bà cố rồi truyền lại tới đời con cháu cũng qua rất nhiều thế hệ hơn mấy chục năm. Đã trở thành truyền thống lâu đời và thêu dệt trên đôi tay tài hoa thợ thủ công là sự lành nghề bởi sự cần mẫn, khéo léo mới làm được chiếc nón hoàn hảo”.
Tọa lạc trong khu dân cư Tràng An thuộc phường 7 (TP Bạc Liêu), cách xa ồn ào của tiếng xe tiếng người, ngôi nhà ông Trung cũng là nơi để làm nên những chiếc nón lá. Xung quanh là những cánh đồng lúa khiến không gian càng trở nên thanh bình giống như khoảnh khắc làng nghề thời còn ở quê cha đất tổ.
Từ trước tới nay, gia đình ông Trung nhờ người ngoài quê gom góp nón thô mỗi lần khoảng 10.000 chiếc (ít nhất cũng 5.000 chiếc) từ những nơi chằm nón ở Quảng Bình, Bình Định, Bình Thuận...
Nón thô là những chiếc nón đã được chằm lá nhưng chưa qua công đoạn gia công làm bóng hay may chỉ tô điểm. Sau đó được đưa lên xe gởi vào Bạc Liêu. Lúc này gia đình mới bắt đầu gia công thêm 20% để hoàn thiện chiếc nón thành phẩm và kiểm tra kĩ lưỡng trước khi giao cho khách.
Nhận về những chiếc nón thô, gia đình ông Trung phải thuê thêm người mới làm xuể việc gia công qua khâu chà bóng, làm quai, thuê người may vành nón…
Đặc biệt là đường vân bằng sợi chỉ trắng bạc trang trí cho chiếc nón thêm lấp lánh - đây cũng chính là sáng tạo mới cho nón lá trước khi xuất xưởng. Chính điều này tạo nên khác biệt với những cơ sở làm nón khác. Mỗi chiếc nón được trả công may viền 2.000. Mỗi ngày cơ sở bán ra được 300 - 500 chiếc, số lượng còn tùy thuộc vào khách hàng đặt mua, bạn hàng mối lớn 200 - 300, mối nhỏ cũng trên 50 chiếc.
Ước mong giữ nghề truyền thống 
Khi nói về nghề, ông Trung, chia sẻ: “Muốn giữ nghề gia truyền vì làm để có thu nhập trang trải cuộc sống và muốn giữ gốc kinh tế của gia đình từ trước tới bây giờ. Ở quê người ta còn chằm nón thô thì mình vẫn còn gia công bán buôn cho khách đó là cái nếp của gia đình”.
 Những chiếc nón đã được gia công
Theo ông Trung, bí quyết để làm nên chiếc nón đẹp, bền và đầy thẩm mĩ không chỉ qua bàn tay thợ thủ công chằm lên mà còn ở cách chọn nguyên vật liệu qua nhiều khâu từ chọn khung, uốn vành, lợp lá.
Tuy nhiên để có được chiếc nón vừa ý đẹp mắt thì cách chọn lá lợp cũng không kém phần quan trọng qua 2 lớp. Lá lợp nón thường lấy lá non trắng muốt hái trong rừng, lá già làm nón sẽ đỏ không đẹp mắt nhìn không tươi mới. Lá sau khi hái đem về để trong mát, phơi khô tự nhiên khi chằm lên khung lá dẻo và có màu đẹp.
Thường thì gia đình chỉ cho ra thị trường loại nón trắng truyền thống chứ ít phân phối những loại nón thêu chỉ màu trên mặt hay bọc vải, bọc ni lông vì bán ra rất ít. Tâm lí khách hàng ít chuộng, nhất là ở đây người ta mua nón chủ yếu về để đội đi buôn bán, đội ra đồng. Mặt khác đặt nhiều người ta mới làm chuyển xuống nên rất khó để giữ những mẫu mã theo thời.
Cơ sở nón lá của ông Trung đã tạo công ăn việc làm cho hơn 70 người, chủ yếu là đến lấy mang về may vành khi nào xong thì đem tới giao. Do đó người dân tận dụng thời gian rảnh để gia công có thêm thu nhập. Được nhiều người nhận làm nên mỗi ngày nón vẫn bán ra đều đều, đảm bảo được số lượng giao cho khách.
Nón thường được ông chủ bỏ sỉ ở chợ đầu mối Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang... tìm được đầu ra thị trường tiêu thụ rộng lớn một phần cũng do gia đình lành nghề nên sành sỏi và cẩn thận trong từng khâu gia công để nón vẫn giữ được chất lượng làm nên uy tín tạo thương hiệu cho nghề chằm nón đất võ Bình Định không bị lu mờ nơi đất khách quê người Bạc Liêu.
Báo Điện tử An Giang

Có thể bạn quan tâm