Nghệ An ưu tiên bố trí chi ngân sách cho an sinh xã hội, người có công

Tuyến đường liên xã được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thông thương phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Tuyến đường liên xã được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thông thương phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Tỉnh Nghệ An đang triệt để cắt giảm các khoản chi, nhất là chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách; nghiên cứu ban hành chính sách, chương trình, đề án làm tăng chi ngân sách địa phương trong thời kỳ đến năm 2025.

Nghệ An ưu tiên bố trí chi ngân sách cho an sinh xã hội, người có công ảnh 1Tuyến đường liên xã được đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) thông thương phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Cùng đó, tỉnh sẽ rà soát xem xét để bãi bỏ các chính sách đặc thù kém hiệu quả, không còn phù hợp với quy định pháp luận hiện hành, trùng lắp với quy định của Trung ương gây lãng phí nguồn lực; chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; quản lý chặt chẽ, chi trong phạm vi dự toán được giao; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm, chính sách an sinh xã hội, công tác người có công...

Sở Tài chính Nghệ An cho biết, đầu năm 2023 đến nay, các khoản chi được thực hiện theo dự toán giao theo tiến độ thu ngân sách Nhà nước và đảm bảo công khai, minh bạch.

Trong số đó, chi thường xuyên chủ yếu tập trung để đảm bảo chế độ tiền lương và các khoản có tính chất tiền lương; trong đó có khoản kinh phí thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2023 đợt 1 là 1.209 tỷ đồng; khoản chi để đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị; đáp ứng yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, công tác người có công; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp y tế...

Chi dự phòng ngân sách địa phương đảm bảo tiết kiệm, đúng quy định; tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: hỗ trợ phòng chống dịch; phòng chống thiên tai bão lụt; phòng chống cháy rừng, khắc phục hậu quả cháy rừng...

Các ngành chức năng cũng phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh kiểm soát chặt chẽ khoản chi ngân sách Nhà nước; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách; tạo điều kiện cho đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước được chủ động sử dụng dự toán năm 2023 đã được giao và nguồn thu được để lại theo chế độ để kịp thời chi trả tiền lương, phụ cấp, trợ cấp tăng thêm theo quy định hiện hành.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (16.493,7 km2); dân số trên 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước; số đối tượng người có công tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần lớn thứ ba trong cả nước.

Do những yếu tố đặc thù về diện tích, dân số và yếu tố khác cho nên hàng năm nhu cầu chi ngân sách là rất lớn, nhất là khoản chi liên quan đến đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chi cải cách tiền lương, chi duy tu bảo dưỡng công trình giao thông, chi cho đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, chi đầu tư phát triển...

Trong khi đó, một số chính sách do Trung ương ban hành nhưng chưa cân đối được hoặc chỉ cân đối một phần nguồn kinh phí thực hiện, phần còn lại do địa phương phải tự đảm bảo, dẫn đến áp lực lớn cho chi ngân sách địa phương.

Dự kiến, thời gian tới, với yêu cầu phát triển cũng sẽ đòi hỏi nhu cầu chi lớn hơn, nhất là các khoản chi liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Nguyễn Văn Nhật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm