Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng

Khám sức khỏe ban đầu cho người có công với cách mạng huyện Tràng Định tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Khám sức khỏe ban đầu cho người có công với cách mạng huyện Tràng Định tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được tăng từ 1,624 triệu đồng lên mức 2,055 triệu đồng.

Nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi cho người có công với cách mạng ảnh 1Khám sức khỏe ban đầu cho người có công với cách mạng huyện Tràng Định tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Nghị định nêu rõ mức chuẩn quy định ở trên làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng. Các mức quy định theo mức chuẩn tại Nghị định này được điều chỉnh khi mức chuẩn được điều chỉnh và làm tròn đến hàng nghìn đồng.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi. Cụ thể, mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với thương binh loại B được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 49/2023/NĐ-CP.

Mức hưởng trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP.

Trường hợp mức trợ cấp một lần tính theo thâm niên, sau khi đã tính tròn số năm tham gia kháng chiến mà còn có tháng lẻ, số tháng lẻ được tính tròn số theo nguyên tắc, từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính là 1 năm, dưới 6 tháng được tính là 6 tháng.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng bắt đầu hoạt động kháng chiến, được tính từ ngày 1/7 của năm đó.

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/9/2023. Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP được thực hiện kể từ ngày 1/7/2023.

* Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định hiện hành, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng được thực hiện từ ngày 1/7/2019 theo quy định tại Nghị định số 58/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Từ năm 2020, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế và xã hội của đất nước, thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, mức lương cơ sở, trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công chưa được điều chỉnh tăng. Ngày 24/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2021/NĐ-CP nhưng mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng vẫn giữ nguyên là 1,624 triệu đồng.

Căn cứ Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, từ ngày 1/7/2023, tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị.

Theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

TTXVN

Có thể bạn quan tâm