Đảm bảo tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho nhóm phụ nữ đặc thù

Ban Công tác phía Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam- phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Chương trình truyền thông Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 (gọi tắt là D
Ban Công tác phía Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam- phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Chương trình truyền thông Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 (gọi tắt là D

Hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, trong đó, quyền của phụ nữ đã được đảm bảo. Nhiều chính sách, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới đã được quy định nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Hệ thống chính sách an sinh xã hội đã bao phủ hầu khắp các lĩnh vực, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tiếp cận giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, mang lại những hiệu quả tích cực về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đảm bảo tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho nhóm phụ nữ đặc thù ảnh 1Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam tặng học bổng và quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại chương trình. Ảnh: Thanh Vũ -TTXVN

Còn nhiều bất cập

Trong bối cảnh đó, các đối tượng phụ nữ đặc thù (phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ di cư, phụ nữ cao tuổi) được quan tâm, tạo điều kiện phát triển về mọi mặt, khoảng cách chênh lệch về giới trong nhiều lĩnh vực đã giảm đáng kể. Song, việc thụ hưởng và kết quả thực hiện chính sách đối với nhóm phụ nữ đặc thù vẫn còn nhiều bất cập.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, tình trạng phụ nữ di cư lao động khu vực phía Nam diễn biến phức tạp. Do sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư lao động chủ yếu từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long sang Đông Nam Bộ - nơi có tỷ lệ đô thị hóa cao, tập trung nhiều khu công nghiệp (như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…) làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội lớn về quan hệ gia đình và khả năng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phát triển tại nơi đến của phụ nữ di cư.

Hiện nay, về chính sách, phụ nữ di cư tiếp cận được nhiều nhất là hỗ trợ về đời sống sinh hoạt cơ bản hàng ngày như: nơi ở, điện, nước sinh hoạt; tiếp cận hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp (tai nạn, bị bạo lực, cướp bóc); chính sách bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hơn 37% phụ nữ di cư không được hưởng hỗ trợ nào. Đặc biệt, tỷ lệ không được hưởng hỗ trợ của phụ nữ di cư có mức sống nghèo, làm việc trong khu vực phi chính thức (làm các công việc bấp bênh thiếu ổn định nhất trong nhóm di cư tự do là bán hàng rong, bán vé số, làm thuê…) càng cao hơn. Điều này cho thấy sự hạn chế trong khả năng tiếp cận chính sách của các nhóm phụ nữ đặc thù, yếu thế.

Đối với nhóm phụ nữ cao tuổi, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phù hợp đảm bảo quyền và cơ hội tiếp cận trên các lĩnh vực sức khỏe, việc làm, văn hóa, thể thao cũng như quan tâm phát huy vai trò chung của người cao tuổi. Song trên thực tế, việc cung cấp các tiện ích và tổ chức các hoạt động để người cao tuổi có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng đã và đang diễn ra chưa phù hợp; chưa có các chính sách đặc thù giới đối với phụ nữ cao tuổi.

Đảm bảo tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho nhóm phụ nữ đặc thù ảnh 2Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn Sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) do Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Bình triển khai từ tháng 1 đến tháng 9/2023 đã phát huy hiệu quả tích cực. Ảnh: Võ Dung-TTXVN

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhiều vấn đề xã hội tồn tại và các vấn đề mới phức tạp nảy sinh đã và đang tác động lớn đến việc thực hiện các chính sách với nhóm phụ nữ đặc thù như: thiếu việc làm, sinh kế, nhà ở và an sinh xã hội tại địa phương, ảnh hưởng của dịch bệnh; các vụ việc xâm hại, bạo lực với người cao tuổi, phụ nữ còn xảy ra, có vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc dư luận... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện của một số địa phương, đơn vị còn chung chung, các giải pháp chưa cụ thể. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với phụ nữ có nơi hạn chế, dẫn đến nhận thức chính trị, ý thức cộng đồng, hiểu biết pháp luật của một bộ phận phụ nữ chưa cao.

Đưa chính sách đến gần hơn với phụ nữ

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, để các chính sách toàn diện, bao phủ các nhóm đối tượng, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển của đất nước, Đảng, Nhà nước đã triển khai ba Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được tích hợp nhiều chính sách dân tộc để tập trung nguồn lực, đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Lần đầu tiên có một dự án riêng biệt, đặc thù về giới trong Chương trình mục tiêu Quốc gia được Quốc hội thông qua và Chính phủ giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì thực hiện. Đó là Dự án thành phần số 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".

Đảm bảo tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho nhóm phụ nữ đặc thù ảnh 3Chị Lò Chúc Chi, Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Điện Biên tham gia thuyết trình cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Cùng với đó, Hội Phụ nữ các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và những tập tục có hại đối với phụ nữ bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể như: xây dựng các chương trình truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số trên sóng phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương và trên hệ thống loa phát thanh xã, thôn; tổ chức các hội thi, liên hoan, các cuộc truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; chú trọng xây dựng, vận hành các mô hình cốt lõi.

Hội Phụ nữ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tích cực triển khai duy trì một số mô hình, dịch vụ hỗ trợ phụ nữ di cư đạt hiệu quả như: Mô hình Văn phòng Dịch vụ một điểm đến (OSSO) xoay quanh việc hỗ trợ tư vấn cho phụ nữ di cư hồi hương (Hậu Giang, Cần Thơ); Tổ tư vấn cộng đồng và Mô hình “gắn kết yêu thương” (Thành phố Hồ Chí Minh); Câu lạc bộ “Nữ chủ nhà trọ” (Bình Dương)… Việc thành lập các tổ, đội, hội giúp phụ nữ di cư tham gia có thể tiếp cận thông tin, tích cực sinh hoạt tập thể và hòa nhập cộng đồng nơi di cư đến.

Theo bà Hà Thị Nga, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi, hoạt động ủy thác hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội nâng cao hiệu quả phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách về tài chính toàn diện, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng ngân hàng, các nguồn tín dụng khác nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng phù hợp.

Là cơ quan tham mưu cho Đảng trong công tác dân vận nói chung, công tác vận động phụ nữ nói riêng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đề nghị, Ban Dân vận các tỉnh, Thành ủy luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến và theo sát, đánh giá đúng tình hình nhân dân, tình hình phụ nữ ở địa phương; xác định cụ thể các vấn đề liên quan đến phụ nữ tại địa bàn. Trên cơ sở đó, có những tham mưu cụ thể cho cấp ủy trong việc xác định các cơ chế ưu tiên (cần có) của địa phương để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hiện có nhằm từng bước giải quyết các vấn đề trên.

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện khá tốt công tác phụ nữ, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, tỉnh tập trung huy động mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em"; Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống". Trong đó, nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định và nguồn lực từ cộng đồng, xã hội là cần thiết.

Đảm bảo tiếp cận chính sách an sinh xã hội cho nhóm phụ nữ đặc thù ảnh 4Ban Công tác phía Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam- phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Chương trình truyền thông Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 (gọi tắt là Dự án 8), với sự tham gia của hơn 600 phụ nữ, người dân và các em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Sóc Trăng tập trung các nguồn lực đầu tư, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tích cực vận động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để hỗ trợ mô hình phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp nhằm cải thiện sinh kế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Đồng thời, địa phương tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ dân tộc thiểu số yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ hỗ trợ về giáo dục, y tế, văn hóa…

Tại Đồng Nai, bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nêu rõ, Hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới cho hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 7 xã thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất và thành phố Long Khánh. Địa phương phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho chị em; tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ chính sách khám thai định kỳ, sinh đẻ tại cơ sở y tế cho phụ nữ người dân tộc thiểu số…

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm