Nghệ An tìm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên

Nghệ An tìm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên

Thiếu giáo viên là thực trạng diễn ra ở Nghệ An nhiều năm nay. Điều này khiến cho công tác tổ chức dạy và học trong các nhà trường gặp nhiều khó khăn, trong khi đó công tác tuyển dụng giáo viên vẫn còn những bất cập.

Cơ cấu giáo viên chưa hợp lý

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Na Loi nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn. Dù điều kiện còn nhiều thiếu thốn nhưng trường đã dạy đủ 2 môn Tin học và Tiếng Anh ở tất cả các khối lớp và được học sinh hào hứng đón nhận. Tuy vậy, việc triển khai chưa đạt được như kỳ vọng bởi vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu giáo viên.

Thầy giáo Nguyễn Văn Đăng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 8 lớp với 248 học sinh và có 17 giáo viên, thiếu 1 giáo viên theo định mức. Đó là về số lượng còn về cơ cấu từng bộ môn lại có nhiều bất cập. Ví dụ, trường chưa có giáo viên Tin học nên buộc phải bố trí Hiệu phó vốn chuyên môn chính là Địa lý để dạy Tin học. Giáo viên công nghệ cũng đã chuyển công tác về xuôi nên phải bố trí giáo viên văn hóa dạy bù. Riêng giáo viên Tiếng Anh theo yêu cầu trường phải có 2 giáo viên nhưng hiện tại chỉ có một giáo viên nên một mình thầy phải phụ trách 8 lớp và nhiều buổi phải dạy một lúc 2 lớp.

Nghệ An tìm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên ảnh 1 Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Na Loi, huyện Kỳ Sơn, thầy giáo tiếng Anh Ngô Kiên Vinh phải phụ trách 8 lớp và nhiều buổi học giáo viên phải dạy kiêm nhiệm một lúc 2 lớp. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Theo ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, huyện đang thiếu 19 giáo viên Tiếng Anh nhưng chỉ có 4 hồ sơ đăng ký. Toàn huyện gần như "trắng" giáo viên dạy giỏi bởi những giáo viên có năng lực, có chuyên môn tốt đã xin chuyển về xuôi.

Trường Trung học Cơ sở Châu Cam ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Con Cuông và nhiều năm nay cũng rơi vào tình trạng thiếu giáo viên. Với môn Tin học, trường chỉ có một giáo viên nên chỉ bố trí giáo viên để dạy khối 6,7 và tạm thời chưa triển khai với học sinh khối 8,9. Trong khi giáo viên không đủ để đứng lớp, nhà trường còn phải "gánh thêm" môn Tin học cho Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cam Lâm vì trường này chưa có giáo viên môn này.

Thầy giáo Huỳnh Tuấn Anh – giáo viên Tin học của Trường Trung học Cơ sở Châu Cam mỗi tuần dạy 12 tiết ở trường Trung học Cơ sở và 6 tiết ở trường Tiểu học. Vì thế trường nào cũng khó có thể dạy trọn chương trình vì không đủ giáo viên để bố trí đủ tiết. Tình thế này buộc giáo viên phải lược bớt hoặc tinh giảm, không đảm bảo đúng theo khung chương trình.

Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ diễn ra trong một trường mà còn diễn ra giữa liên trường. Thế nên ở Trường Trung học Cơ sở Châu Cam, không chỉ giáo viên Tin học mà một số giáo viên khác phải kiêm nhiệm cùng một lúc hai trường như giáo viên Âm nhạc phải kiêm nhiệm dạy thêm một số tiết ở Trường Trung học Cơ sở Chi Khê, giáo viên Hóa học phải dạy thêm ở Trường Trung học Cơ sở Yên Khê. Trong khi đó, trường thiếu giáo viên Giáo dục công dân và Công nghệ nên một số giáo viên dạy Ngữ văn, Toán phải dạy kiêm nhiệm thêm số tiết dù không đúng chuyên môn.

Cô giáo Đinh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Châu Cam cho biết thêm, trường không tổ chức được nhiều các hoạt động ngoại khóa hoặc sinh hoạt chuyên môn vì để tập hợp đầy đủ giáo viên rất vất vả.

Linh hoạt bố trí sắp xếp giáo viên

Việc thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm nay ở nhiều địa phương trên toàn địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong bối cảnh đó, các nhà trường buộc phải linh hoạt trong sắp xếp bố trí giáo viên dù đôi khi chất lượng chưa thực sự đảm bảo.

Nghệ An tìm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên ảnh 2Giáo viên phải phụ trách nhiều lớp và dạy kiêm nhiệm một lúc 2 lớp nên đôi khi chất lượng chưa thực sự được đảm bảo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Năm học 2021-2022, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hữu Khuông, huyện Tương Dương tuyển dụng 1 giáo viên Tiếng Anh để làm tiền đề thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, vì điều kiện cơ sở vật chất chưa đủ nên tạm thời trường này vẫn chưa thể triển khai dạy Tiếng Anh. Trước tình thế đó, giáo viên này lại được điều sang Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Hữu Khuông để dạy Tiếng Anh cho học sinh lớp 6.

Ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng Phòng Giáo dục huyện Tương Dương chia sẻ những năm trở lại đây, nhiều giáo viên của huyện, trong đó có giáo viên Tiếng Anh xin chuyển về xuôi công tác khiến tình trạng thiếu giáo viên ở các trường lại diễn ra trầm trọng. Huyện không đủ giáo viên để bố trí tối thiểu 1 giáo viên/trường. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi buộc phải luân chuyển giáo viên hoặc bố trí một giáo viên kiêm nhiệm nhiều trường, nhiều bậc học dù biết điều đó sẽ khó cho cả giáo viên và nhà trường.

So với nhiều địa phương khác, Tân Kỳ là một trong ít huyện đưa môn Tin học vào Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và có học sinh tham dự Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh với. Dù là huyện miền núi nhưng 18/18 trường Trung học Cơ sở trong toàn huyện đã triển khai dạy môn Tin học. Tuy vậy, giáo viên đúng chuyên ngành Sư phạm Tin học thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thay vào đó, phụ trách môn học này chủ yếu được đào tạo Toán – Tin của chương trình Cao đẳng sư phạm. Trước đó, những giáo viên này vốn đã có nhiều năm dạy môn Toán nhưng một thời gian dài huyện diễn ra tình trạng thừa giáo viên bậc Trung học Cơ sở mà phần lớn là môn Toán, Ngữ văn nên các trường vận động các giáo viên chuyển sang phụ trách Tin học.

Để hỗ trợ giáo viên, hàng năm Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ đã thống kê danh sách giáo viên có nhu cầu, phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng, cấp chứng chỉ “Tin học ứng dụng cơ bản” nhằm trang bị kỹ năng, phương pháp, chương trình môn Tin theo phân phối của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Tin học trở thành môn bắt buộc và các yêu cầu về kiến thức lẫn phương pháp có nhiều thay đổi nên để nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường là điều khó khăn.

Ông Phạm Tân Phương, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tần Kỳ cho biết, phòng đã đề xuất tuyển dụng mới giáo viên đại học chuyên ngành Sư phạm Tin học phù hợp chuẩn giáo viên mới nhưng vì giáo viên bậc Trung học Cơ sở đang thừa nhiều nên phương án này khó triển khai trong một vài năm tới. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay là tiếp tục bồi dưỡng giáo viên môn Tin học và sẽ đặt hàng các trường sư phạm để đào tạo theo đúng khung chương trình mới.

Hiện, Nghệ An còn thiếu trên 7.000 giáo viên ở tất cả các bậc học, trong đó tập trung nhiều nhất là ở bậc Tiểu học, Mầm non và giáo viên ở các môn đặc thù. Năm học 2021-2022, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc Mầm non và Tiểu học phải học 2 buổi/ngày; môn Tiếng Anh và Tin học bậc Tiểu học là bắt buộc. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình thay sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6 nên nhu cầu bổ sung biên chế giáo viên càng trở nên cấp bách.

Trong khi chờ Trung ương bổ sung biên chế cho tỉnh, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, các địa phương linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có; điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục bảo đảm hợp lý, sử dụng tối đa biên chế được giao; có lộ trình cụ thể, phù hợp để bố trí đủ giáo viên cho những trường, môn học còn thiếu. Trong đó, ưu tiên cho những khối lớp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; có kế hoạch bồi dưỡng, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới theo Chương trình. Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở theo kế hoạch; sáp nhập các trường có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn xã hoặc trên một trục đường; đẩy mạnh việc nhập lớp, giảm điểm trường, điều chỉnh quy mô lớp học hợp lý, bảo đảm sĩ số học sinh tối đa trên 1 lớp đối với từng bậc học...

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm