Những năm gần đây, công tác dạy và học tại nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Nông gặp khó khăn do tình trạng thiếu giáo viên. Đáng chú ý, tại một số khu vực, số học sinh đang gia tăng đều từng năm, thực trạng này đòi hỏi cấp có thẩm quyền cần sớm có giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
Một huyện, mỗi năm đều tăng hơn 1.000 học sinh
Đắk G’Long là huyện dẫn đầu của tỉnh Đắk Nông về tình trạng dân di cư không theo quy hoạch. Đây là áp lực rất lớn đối với địa phương trong việc ổn định dân cư, quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo cơ sở hạ tầng tối thiểu và các vấn đề liên quan tới chăm sóc y tế, giáo dục…
Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long cho biết, từ năm học 2011-2012 đến nay, số lượng học sinh của huyện tăng đều mỗi năm (khoảng 1.000 em/năm). Do thiếu giáo viên, nhất là cấp Mầm non nên chủ trương của huyện là đảm bảo đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất tới đâu thì nhận học sinh tới đó. Năm học 2021-2022, huyện ưu tiên tiếp nhận học sinh 5 tuổi để chuẩn bị cho các em vào lớp 1. Nếu huy động toàn bộ trẻ trong độ tuổi Mầm non (thêm trẻ 3-4 tuổi), số học sinh của cấp học này còn tăng khoảng 1.000 em.
Ông Phan Văn Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Hoàng Văn Thụ, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long cho biết, năm học 2021-2022, nhà trường có hơn 1.500 học sinh, 46 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Với số giáo viên trên, hiện nhà trường đang thiếu 18 biên chế so với quy định, gây không ít khó khăn cho công tác dạy và học.
“Nhiều năm nay, năm nào tổng số học sinh của trường cũng tăng hơn 100 em so với năm trước. Chúng tôi phải sắp xếp khéo léo và được sự hỗ trợ khá tích cực từ các thầy, cô giáo mới đảm bảo việc dạy học. Trước mắt, nhà trường sắp xếp các thầy, cô dạy thêm giờ để khắc phục việc thiếu giáo viên, đảm bảo công tác dạy học. Về lâu về dài, nhà trường kiến nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung thêm biên chế giáo viên hoặc đồng ý cho chủ trương để nhà trường hợp đồng thêm giáo viên”, ông Phan Văn Điền cho biết thêm.
Tương tự, số học sinh của Trường Tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long, gia tăng liên tục trong các năm gần đây. Ông Hà Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu cho biết, số lượng học sinh nhập học tăng đều do người dân di cư không theo quy hoạch tại các điểm dân cư thôn Đắk Snao, Đắk Snao 2 (xã Quảng Sơn) và Suối Phèn (xã Đắk R’Măng)… tăng mạnh. Năm học 2021-2022, nhà trường có gần 1.000 học sinh với 28 lớp học. Toàn trường có 28 giáo viên biên chế và hợp đồng.
“Do số giáo viên vừa bằng số lớp học nên nếu có thầy, cô bận việc, Ban Giám hiệu phải sắp xếp người dạy thay. Các thầy, cô đều phải tham gia dạy thêm giờ. Chúng tôi dự kiến các năm tới số học sinh tăng đều đặn mỗi năm khoảng 100 em nên công tác dạy, học còn khó khăn hơn”, thầy Hà Hữu Phong chia sẻ thêm.
Giải pháp tình thế thành giải pháp lâu dài?
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk G’Long, năm học 2021-2022, toàn huyện thiếu 257 giáo viên. Trong đó, bậc Mầm non là 94 giáo viên, Tiểu học là 76 giáo viên và Trung học Cơ sở là 87 giáo viên. Trước đó, trong quá trình chuẩn bị năm học mới, huyện đã điều động 10 giáo viên cho đơn vị trường thiếu hụt nhiều nhất, cũng như bố trí, sắp xếp giảng dạy hài hòa giữa các trường trung tâm và trường vùng sâu, vùng xa.
Phòng cũng xây dựng dự toán kinh phí dạy thêm giờ năm học 2021-2022. Theo tính toán của đơn vị, tổng kinh phí để tổ chức dạy thêm giờ cho giáo viên trong năm học tới là gần 12,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu thực hiện hợp đồng giáo viên, tổng kinh phí để chi trả chỉ là gần 7 tỷ đồng.
Theo ông Lê Đại Thành, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk G’Long, huyện đã tổ chức cho giáo viên dạy thêm giờ được khoảng 4 năm nay. Đây là giải pháp tình thế trong bối cảnh số học sinh liên tục tăng kéo theo tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay đã trở thành giải pháp phải thực hiện liên tục trong lúc chờ cấp có thẩm quyền có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Trên phạm vi toàn tỉnh, bên cạnh học sinh gia tăng do tình trạng dân di cư không theo quy hoạch, tình trạng thiếu giáo viên một phần do việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là các bộ môn Ngoại ngữ, Tin học ở cấp Tiểu học.
Trước đó, vào tháng 7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã đề nghị UBND tỉnh rà soát lại thực trạng thiếu giáo viên tại huyện Đắk G’Long nói riêng và toàn tỉnh nói chung; đồng thời làm rõ hai phương án, tổ chức cho giáo viên dạy thêm giờ và tuyển thêm giáo viên. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý cho phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn địa phương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình quản lý, sử dụng biên chế giáo dục và đào tạo đầu tháng 11 vừa qua, xét về định mức theo các quy định hiện hành, ngành Giáo dục và Đào tạo còn thiếu hơn 2.000 biên chế sự nghiệp giáo dục. Để đảm bảo ổn định công tác dạy và học, trước mắt, ngành Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông cần bổ sung tối thiểu 938 biên chế.
Do thiếu giáo viên, ngành Giáo dục và Đào tạo các địa phương tiếp tục triển khai việc dạy thêm giờ trên diện rộng nhất là tại các huyện Đắk G’Long, Tuy Đức, thành phố Gia Nghĩa… Năm học 2021-2022, toàn tỉnh dự kiến sẽ chi gần 68 tỷ đồng để tổ chức cho giáo viên dạy thêm giờ, đảm bảo công tác dạy và học trong bối cảnh thiếu giáo viên.
Trong khi đó, cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, nếu tiến hành hợp đồng giáo viên (ngoài biên chế được giao) thì tổng kinh phí để chi trả dự kiến gần 33,8 tỷ đồng, tức giảm hơn 34 tỷ đồng. Như vậy, nếu hợp đồng giáo viên ngoài số biên chế được giao, tổng kinh phí chỉ bằng khoảng 50% so với tổ chức cho giáo viên dạy thêm giờ. Tuy nhiên, phương án trên không phù hợp với quy định bởi lẽ từ đầu năm 2018, tại Công văn số 776/BNV-CCVC ngày 01/3/2018, Bộ Nội vụ đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chấm dứt ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, kể cả cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết biên chế (trừ các đơn vị đã đảm bảo về tài chính).
Cũng theo UBND tỉnh Đắk Nông, mặc dù kinh phí tổ chức dạy thêm giờ cao hơn so với hợp đồng thêm giáo viên, nhưng pháp luật vẫn cho phép thực hiện khi nhu cầu dạy và học tăng cao. Còn việc hợp đồng thêm giáo viên (theo Nghị quyết 102/NĐ-CP ngày 3/7/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế), các đơn vị phải đảm bảo không vượt quá số biên chế chưa sử dụng.
Trong bối cảnh nhiều địa phương tại Đắk Nông có số lượng học sinh tăng liên tục như hiện nay, việc hợp đồng “trong biên chế được sử dụng” sẽ không thể đủ giáo viên để dạy và học nếu không tổ thức dạy thêm giờ.
Về vấn đề này, trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên theo chế độ kiêm nhiệm để đáp ứng nhu cầu công việc. Các đơn vị chủ động điều chuyển, phân công giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu cũng như lên phương án tuyển dụng kịp thời đối với giáo viên nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế…; ưu tiên thu hút giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học về công tác tại các trường vùng sâu, vùng xa.
Về lâu dài, tỉnh chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát, phân loại đơn vị giáo dục và xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời rà soát, xin ý kiến Bộ Nội vụ xem xét, giao bổ sung biên chế giáo viên các cấp học cho tỉnh.
Hưng Thịnh