Nghệ An tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển du lịch

Nghệ An tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển du lịch

Tỉnh Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút khách du lịch, trong đó có việc đề nghị các địa phương phối hợp với ngành Du lịch theo dõi sát tình hình, xu hướng về du lịch, đáp ứng các nhu cầu mới của du khách. Cùng với đó, tỉnh xác định cụ thể các "điểm nghẽn" của du lịch địa phương để tập trung khắc phục, tháo gỡ.

Trong phát triển du lịch, tỉnh Nghệ An đề ra mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú, tạo bước phát triển, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Nghệ An tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển du lịch ảnh 1Du khách trải nghiệm ẩm thực đậm nét văn hoá của dân tộc Thái tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Cụ thể, đến năm 2030, đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng các tỉnh Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn, đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9 - 10%.

Tại Nghệ An, mùa du lịch cao điểm thường bắt đầu từ dịp 30/4 đến tháng 10 hằng năm. Tuy nhiên, vào thời gian này, tại nhiều địa phương trong tỉnh, thời tiết nắng nóng, nền nhiệt độ tăng cao. Do vậy, việc thu hút du khách đến địa phương là không đơn giản.

Khu Di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn) và thị xã biển Cửa Lò là hai địa điểm thu hút số lượng lớn khách du lịch.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều du khách, tại những địa điểm này, các dịch vụ, sản phẩm phụ trợ còn rất nghèo nàn, dẫn đến hiệu quả so với tiềm năng còn thấp. Các điểm du lịch biển trong tỉnh, thường ngày ngoài các dịch vụ tắm, ăn uống, ngủ, nghỉ, hầu như không có hoạt động gì khác với thời điểm cách đây nhiều năm trước; thiếu vắng các dịch vụ mới, hấp dẫn để tạo các nguồn thu có giá trị tăng cao.

Chị Nguyễn Hoàng Nga, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết, địa bàn tỉnh Nghệ An, gần đây xuất hiện một số hoạt động du lịch cộng đồng liên quan đến nông thôn, nông nghiệp mà gia đình có dịp trải nghiệm. Thế nhưng, nhiều điểm đang được tổ chức theo phong trào là chủ yếu, thiếu chiều sâu, chưa đúng với bản chất trải nghiệm cuộc sống. Trong khi đó, một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ở vùng núi, tính khám phá và trở về với thiên nhiên, gắn kết với cộng đồng dân cư còn thấp, chưa thực sự hấp dẫn du khách.

Hiện nay, các điểm nghẽn của du lịch địa phương được xác định, đó là thiếu mô hình đồng bộ và hiệu quả cho từng loại hình du lịch; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào du lịch; thiếu nhân lực trình độ cao cho ngành du lịch; sự phối hợp, gắn kết giữa các ngành, địa phương để phát triển hiệu quả du lịch chưa cao...

Trong tháng 2/2023, lượng khách du lịch đến Nghệ An đạt khoảng 750.000 lượt; trong đó, khách lưu trú 450.000 lượt. Tổng doanh thu đạt 1.489 tỷ đồng. Lũy kế, hai tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đạt 1,3 triệu lượt, tăng 86%; doanh thu du lịch đạt 1.005 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ.

Du lịch Nghệ An đã bắt đầu có sự khởi sắc so với thời điểm gặp khó khăn do địa dịch COVID-19, đặc biệt sau khi Chính phủ cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022.

Nguyễn Văn Nhật

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm