Tại huyện Quế Phong (Nghệ An) các trưởng bản ký cam kết không trồng cây thuốc phiện, không di cư tự do… Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN |
Theo đó, giải pháp được tỉnh Nghệ An đề ra là tăng cường sự lãnh đạo của các ấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp, nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số; cấp kinh phí (ngân sách tỉnh) để thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm tỉnh Nghệ An cũng bố trí kinh phí để lãnh đạo tỉnh trực tiếp thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín thuộc cấp tỉnh quản lý và một số người uy tín tiêu biểu vùng biên giới, có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tại Nghệ An, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở 12 huyện, thị xã, bao gồm 252 xã, 1.339 thôn, bản; diện tích 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hàng năm Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An hướng dẫn các huyện, thị xã triển khai tổ chức rà soát, đánh giá và bình chọn, xét công nhận bổ sung hoặc thay thế người có uy tín trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 1.251 người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số. Đây được coi là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân, có ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước và đại đoàn kết các dân tộc. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số là tấm gương điển hình trên các lĩnh vực, là hạt nhân nòng cốt tại địa phương. Chẳng hạn, ông Lầu Xái Hờ (bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn), Moong Phò Ta (bản Xốp Xăng, xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn), Bạch Đình Dung (bản Cao Vều 3, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn) là những tấm gương điển hình trong công tác tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội có các điển hình là: Ông Vi Văn Hoàn (bản Hạt, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp), Vi Ngọc Duyên (bản Thịnh, xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp), Và Bá Xình (bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương). Các điển hình trong giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là ông Lang Sơn Hán (xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu), bà Quang Thị Toán (bản Tân Hương, xã Yên Khê, huyện Con Cuông)…
Nguyễn Văn Nhật