Tận dụng những lợi thế của địa phương, mô hình du lịch nông nghiệp đang được nhiều địa phương tỉnh Nghệ An triển khai đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan và trải nghiệm, góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, mô hình du lịch này còn có vai trò giữ gìn cảnh quan làng quê, giữ được văn hóa bản sắc dân tộc của quê hương. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này vẫn còn mang tính chất tự phát, thiếu sự kết nối.
Nghệ An là vùng đất cổ với lịch sử 990 năm, có bề dày truyền thống, nền nông nghiệp được hình thành và phát triển lâu đời mang trong mình những đặc trưng riêng là điều kiện rất thuận lợi để du lịch nông nghiệp có thể khai thác, phát triển. Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, nhiều đơn vị đã đầu tư xây dựng các điểm du lịch. Dù chỉ là tự phát nhưng một số điểm du lịch nông nghiệp đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, trải nghiệm như: Đảo chè Cầu Cau (Thanh Chương), đồi chè Hùng Sơn (Anh Sơn), trang trại cam Đồng Thành (Yên Thành), trang trại cam bản Pha (Con Cuông), các đồi hoa ở huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa...
Đây là năm thứ 3, Đồi hoa Xuân Thái Hòa (thị xã Thái Hòa) mở cửa đón khách tham quan, trải nghiệm. Trên đồi hoa rộng gần 3 ha, nhóm của anh Đặng Thanh Hà đã trồng nhiều loại hoa khác nhau từ cúc họa mi, cánh bướm, thạch thảo tím, cẩm tú cầu... Ngoài ra, để có thêm các điểm cho du khách chụp ảnh, anh đã bố trí một số mô hình như đàn piano, cưỡi ngựa hay các trang phục dân tộc.
Anh Hà chia sẻ, với mong muốn làm đẹp cho quê hương, sau nhiều lần khảo sát học hỏi kinh nghiệm, nhóm của anh đã quyết định xây dựng mô hình Đồi hoa Xuân. Những loại hoa được trồng ở đây đều được lựa chọn kỹ và bố trí thành những luống dài riêng biệt nhằm giúp du khách có những trải nghiệm, những bức hình đẹp. Mỗi ngày trung bình đồi hoa đón khoảng 100-200 khách; riêng các dịp lễ, ngày cuối tuần có hơn 1000 khách đến tham quan.
Không riêng mô hình đồi hoa ở huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, các làng nghề truyền thống, những mô hình trang trại nông nghiệp với những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cũng trở thành các điểm du lịch hấp dẫn, tạo ấn tượng đối với du khách. Điển hình như đảo chè xã Thanh An, huyện Thanh Chương, rộng gần 80 ha được bao quanh bởi hệ thống đập nước Cầu Cau, tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp tạo ấn tượng mạnh với khách tham quan. Đến đây, ngoài việc được đi du thuyền tham quan ngắm cảnh, du khách còn có thể trải nghiệm quy trình sản xuất thủ công chè, tìm hiểu về cuộc sống lao động của những người nông dân.
Anh Trần Văn Cường, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lần đầu tiên anh thực hiện chuyến du lịch về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh những sản phẩm văn hóa tâm linh, những địa điểm như đảo chè Thanh An là điểm đến hấp dẫn. Không chỉ có cảnh đẹp, ấn tượng hơn cả là du khách có thể trải nghiệm cuộc sống thường ngày cùng với những chủ nhân của vùng đất này.
Được biết, nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), các mô hình sản xuất nông nghiệp như: Vườn cam bản Pha Con Cuông và các làng nghề truyền thống sản xuất tương Sa Nam, miến Quy Chính, bột sắn dây, tinh bột nghệ Nam Đàn đã thu hút nhiều lượt khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh việc tạo ra điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn, các mô hình sản xuất nông nghiệp cũng đã góp phần cung cấp sản vật địa phương cho du khách, từ đó tạo động lực cho các làng nghề truyền thống duy trì và mở rộng, góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ dân tại các khu vực đó.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể có thể thấy, du lịch nông nghiệp ở Nghệ An còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch, định hướng đầu tư cụ thể. Hạ tầng phục vụ du lịch còn sơ sài, thiếu đồng bộ, hoạt động trải nghiệm còn đơn điệu, chưa có sự liên kết giữa các điểm và cơ sở dịch vụ với nhau, dẫn đến không ổn định, thiếu tính chuyên nghiệp, mức chi tiêu của du khách còn thấp...
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Lợi, để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả, thời gian tới, Nghệ An sẽ lựa chọn phát triển một số mô hình du lịch nông nghiệp gắn với quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp một cách khoa học tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh, khác biệt và dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh của các địa phương để tổ chức các hoạt động du lịch. Trong đó, ưu tiên các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, cơ sở sản xuất dược liệu, mô hình các làng nghề truyền thống... Nghệ An từng bước nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển du lịch nông nghiệp cho từng vùng, từng khu vực trên địa bàn; tạo chuỗi kết nối các sản phẩm du lịch nông nghiệp. Tỉnh khuyến khích kêu gọi các nguồn đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn trong các chương trình phát triển các ngành có liên quan. Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp cần được chú trọng hơn; công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho các cơ sở du lịch được tăng cường về kỹ năng nghiệp vụ du lịch.
Năm 2020, dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và mưa lũ, ngành Du lịch Nghệ An vẫn đón hơn 3,5 triệu khách. Những ngày đầu năm 2021, dù thời tiết không thuận lợi nhưng lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại các vườn hoa, làng nghề lên đến hàng chục nghìn người. Điều này cho thấy, tiềm năng, sự hấp dẫn của loại hình du lịch nông nghiệp. Loại hình du lịch này nếu được đầu tư bài bản không chỉ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch phát triển mà còn góp phần bảo vệ cảnh quan nông thôn, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Văn Tý