Tàu của Công ty Công ty cổ phần Song Ngư Sơn (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) đang chờ đón du khách đi tham quan trên biển và trên sông. Ảnh : Nguyễn Văn Nhật - TTXVN |
Gia đình ông bà Đinh Văn Đoàn, Phan Thị Tín, xóm Quy Chính 2, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn là một trong những hộ được dự án Jica Nhật Bản hỗ trợ máy vò miến, máy dán mác bao bì từ 3 năm nay. Có máy móc hiện đại hỗ trợ, gia đình ông Đoàn đã giảm bớt được sức lao động và tăng sản lượng sản phẩm. Từ sản xuất thủ công chỉ được 1,5 tạ miến/ngày, khi có máy hỗ trợ, gia đình ông đã sản xuất được trên 3 tạ miến/ngày.
Ông Đinh Văn Đoàn cho biết, sản phẩm miến của gia đình được sản xuất từ gạo sạch, không pha trộn với các nguyên liệu khác. Bên cạnh đó, gia đình ông còn luôn chú trọng việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã đẹp hơn… để sản phẩm của gia đình trở thành đặc sản của Nam Đàn để phục vụ khách du lịch.
Cùng với sản phẩm miến gạo Quy Chính, sản phẩm bột sắn dây Nam Anh cũng được huyện Nam Đàn chọn làm đặc sản vụ khách du lịch. Bà Hồ Thị Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và chế biến tinh bột sắn dây xã Nam Anh, huyện Nam Đàn cho biết: “Được dự án Jica hỗ trợ, sản phẩm bột sắn dây của Hợp tác xã đảm bảo sạch và an toàn nên được khách du lịch đón nhận, nhiều cơ quan, địa phương chọn làm quà biếu, được bày bán tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hợp tác xã sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất đến đóng gói bao bì bằng giấy sạch… để sản phẩm ngày một tốt hơn”.
Du khách được nghe giới thiệu về các di tích trên đảo Ngư. Ảnh: Nguyễn Văn Nhật - TTXVN |
Tận dụng thế mạnh của địa phương, những năm qua, huyện Nam Đàn đã tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với du lịch. Trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Nam Đàn đang hình thành mô hình mỗi xã có 1 sản phẩm. Trong đó, huyện chú trọng vào các sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp mang đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, huyện tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án đầu tư về máy móc thiết bị nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất cũng như cải thiện nhu nhập cho người dân trong vùng.
Thị xã biển Cửa Lò cũng chỉ đạo hai làng nghề trọng tâm, gồm làng nghề chế biến nước mắm Hải Châu 1 và làng nghề chế biển hải sản khối 3, phường Nghi Thủy xây dựng sản phẩm đặc trưng. Cụ thể, Thị xã Cửa Lò đã hỗ trợ cho các làng nghề về kinh phí và đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm như tem nhãn, tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch…theo đúng quy định của Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Cửa Lò cho biết: “Hầu hết các sản phẩm hải sản chế biến của Thị xã Cửa Lò đạt tiêu chuẩn chất lượng, được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp và sản lượng đủ cung cấp cho thị trường, phần nào đáp ứng được nhu cầu mua sắm của du khách”.
Nghệ An được biết đến với nhiều sản vật địa phương phong phú, giàu bản sắc vùng miền. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, sản phẩm phục vụ du khách. Tuy nhiên, đến nay, các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch ở Nghệ An còn rất hạn chế. Theo đánh giá, hiện Nghệ An chưa có được sản phẩm lưu niệm đặc trưng mang đậm nét văn hóa, con người xứ Nghệ.
Theo mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn 2019 – 2025, Nghệ An sẽ xây dựng thành công từ 2- 3 mô hình Làng văn hóa du lịch gắn với sản xuất các sản phẩm lưu niệm. Để đạt được mục tiêu đó, từ nay đến năm 2025, Nghệ An cần đầu tư xây dựng từ 5-7 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm hàng hóa lưu niệm, đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ, phối hợp giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nghệ An cần có cơ chế trong quảng bá, mở rộng thị trường…đối với các sản phẩm đang xây dựng thương hiệu nhằm thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Từ mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An vừa xây dựng Đề án “Phát triển một số sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2019 - 2025”. Theo đó, tỉnh xác định 35 sản phẩm trọng điểm để phục vụ khách du lịch, trong đó có 5 sản phẩm thủ công mỹ nghệ; 13 sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm; 5 sản phẩm hải sản chế biến; 10 sản phẩm đồ uống, thảo dược và 2 sản phẩm trang sức, phục sức.
Ông Dương Hoàng Vũ, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An cũng xác định gắn kết sản phẩm du lịch với người dân, để sản phẩm đó vừa mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương, vừa bảo đảm được yếu tố liên kết với các địa phương trong khu vực miền Trung. Bởi vậy, các cơ sở sản xuất, đơn vị lữ hành du lịch cần tăng cường liên kết trong khâu giới thiệu,bán sản phẩm lưu niệm. Tỉnh cần có những chiến lược quảng bá rộng rãi để sản phẩm đến tận tay khách du lịch, xây dựng các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tiếp thị thông qua các trang mạng xã hội…
Việc xây dựng và phát triển sản phẩm, hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch mang dấu ấn, đặc trưng của Nghệ An đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người xứ Nghệ, thúc đẩy du lịch phát triển.
Bích Huệ
TTXVN