Tỉnh Nghệ An đang thực hiện các giải pháp nhằm khai thác, phát triển hiệu quả các vùng trọng điểm, khu kinh tế đã được xác định, đó là thành phố Vinh; khu vực miền Tây Nghệ An; khu kinh tế Đông Nam Nghệ An; vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An.
Theo đó, tỉnh tập trung hoàn thành mở rộng địa giới hành chính và không gian thành phố Vinh theo quy hoạch được phê duyệt; phấn đấu xây dựng thành phố Vinh trở thành đô thị thông minh, trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ trên một số lĩnh vực, như thương mại, giáo dục đào tạo, du lịch, y tế…. Đến năm 2045, thành phố Vinh phát triển trở thành một trong những cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Đối với khu kinh tế Đông Nam, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao, cùng thành phố Vinh trở thành những động lực tăng trưởng của tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành mở rộng ranh giới có tổng diện tích 105.585 ha; tầm nhìn đến năm 2045 trở thành khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Ở khu vực miền Tây, tỉnh định hướng phát triển theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc; sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tỉnh Nghệ An đã xác định được các vùng trọng điểm, khu kinh tế để ưu tiên tập trung đầu tư phát triển, tạo động lực cho phát triển của tỉnh, đó là thành phố Vinh; khu vực miền Tây Nghệ An; khu kinh tế Đông Nam Nghệ An; vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An.
Đến nay, thành phố Vinh đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, năm 2021 đạt 6,36%; quy mô giá trị sản xuất tăng từ 26.979 tỷ đồng năm 2013 lên 55.511 tỷ đồng năm 2021 (gấp 2,06 lần); tổng vốn đầu tư phát triển hàng năm tăng 9,84%. Đối với khu vực miền Tây Nghệ An, GRDP bình quân đầu người từ 15,86 triệu đồng năm 2013 đã tăng lên 32,81 triệu đồng năm 2020; đóng góp của giá trị tăng thêm vào mức bình quân chung toàn tỉnh ở mức ổn định khoảng 26 - 28%.
Đối với khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An đã hoàn thành quy hoạch phân khu chức năng với tổng diện tích quy hoạch 9.351,1 ha; quy hoạch chi tiết khu bến cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi gắn với khu kinh tế Đông Nam. Tỉnh Nghệ An cũng phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức lập quy hoạch các khu chức năng thuộc quy hoạch Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, gắn không gian khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi (Nghệ An) với khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng đến nay việc phát triển các vùng trọng điểm, khu công nghiệp đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đơn cử, thành phố Vinh phát triển chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng; chưa có bước đột phá vượt trội so với các đô thị trong khu vực, nhất là khả năng kết nối vùng; việc mở rộng địa giới hành chính và không gian phát triển của thành phố còn chậm; thiếu các điều kiện, yếu tố để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ. Khu vực miền Tây phát triển chậm, một số tiềm năng, thế mạnh khai thác hiệu quả chưa cao; mục tiêu đầu tư phát triển thành một trong các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh chưa thực hiện được.
Nguyễn Văn Nhật