Nghệ An: Gỡ khó trong cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững

Việc cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) mang lại nhiều lợi ích cho người dân, giá trị gỗ được tăng thêm, nâng cao được thu nhập trên đơn vị diện tích. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, bất cập, tiến độ cấp chứng chỉ rừng chậm, chưa xứng với tiềm năng... Thực trạng này khiến nhiều chủ rừng là cá nhân và hộ gia đình đã không mặn mà với việc tham gia chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

vna_potal_ha_tinh_no_luc_giu_mau_xanh_cho_nhung_canh_rung_vung_bien_gioi_dip_tet_2024_7217002.jpg
Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê quản lý, bảo vệ những cánh rừng tự nhiên còn với nhiều loại gỗ quý. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Hộ gia đình ông Võ Khắc Thể ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trồng 1,2 ha rừng. Để đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, từ khâu lựa chọn cây giống, chăm sóc, thu hoạch gia đình ông phải tuân thủ theo các tiêu chí, quy trình rất nghiêm ngặt như phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cây con gieo bằng hạt hoặc giâm cành bằng hom. Ông không được sử dụng các loại chất hóa học và phân bón đã bị FSC cấm; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ việc trồng, chăm sóc, đến thu hoạch; không được vứt các loại rác thải ra rừng, không được đốt thảm thực vật sau thu hoạch... Để duy trì tín chỉ hàng năm, các hộ dân phải bỏ chi phí thuê chuyên gia xây dựng hồ sơ để đánh giá, thẩm định. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các hộ gia đình trồng rừng quy mô nhỏ.

Ông Thể cho biết, địa hình vùng núi Nghệ An dốc, sản xuất manh mún mà sản xuất theo chứng chỉ thì phải đáp ứng tiêu chí môi trường. Thời gian trồng rừng gỗ lớn dài cộng thêm áp lực về nhu cầu kinh tế, rủi ro về thiên tai, thị trường. Hơn nữa chi phí đầu tư ban đầu lớn, sản xuất phải theo các quy trình trồng và chăm sóc nghiêm ngặt, nên rất khó tuân thủ, trong khi đó giá gỗ bán ra không cao so với gỗ trồng tự do khiến nhiều hộ dân chúng tôi không mặn mà với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC

Ông Hoàng Trung Sơn, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, đối với diện tích rừng của hộ gia đình nhỏ lẻ từ 0,2 đến 5 ha, việc xây dựng hồ sở khó khăn, chi phí xây dựng hồ sơ rất cao không thể làm được. Khi được cấp chứng chỉ phải duy trì đánh giá thường xuyên, nên vượt quá khả năng của người trồng rừng quy mô nhỏ. Mặc khác, công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn Nghệ An phát triển chưa đồng bộ. Liên kết chuỗi trong sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến khai thác, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững. Một số hộ dân tham gia vào trồng rừng còn lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ, chưa chưa thấy rõ lợi ích từ chứng chỉ rừng.

Hiện nay ở vùng miền núi Nghệ An, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu vốn nên nhiều hộ gia đình chưa mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Các đối tượng tham gia vào trồng rừng chưa nhận thức hoặc chưa thấy rõ lợi ích từ chứng chỉ rừng, còn lo ngại về đầu ra của gỗ có chứng chỉ, trong khi Nghệ An cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thực hiện cấp chứng chỉ FSC, chủ yếu là các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm gỗ keo hỗ trợ người dân từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ha. Theo đó, việc cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn thấp so với tổng diện tích rừng hiện có.

Đến nay, tỉnh Nghệ An mới có trên 25.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC trên tổng số 170.000 ha rừng nguyên liệu. Trong khi Nghệ An vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thực hiện cấp chứng chỉ FSC.

Ông Nguyễn Danh Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc trồng rừng thực hiện cấp chứng chỉ FSC. Ngành cũng khuyến khích các hộ dân tăng cường liên doanh, liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, đặc biệt là kêu gọi hợp tác với các doanh nghiệp với các hộ dân, các hợp tác xã để và tạo chuỗi liên kết từ trồng rừng đến khai thác, chế biến; qua đó tạo sự ổn định về đầu ra của sản phẩm rừng.

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các địa phương rà soát diện tích rừng trồng trên địa bàn đủ điều kiện để giới thiệu cho các doanh nghiệp triển khai cấp chứng chỉ rừng. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển rừng trên địa bàn. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, Nghệ An hoàn thiện hồ sơ để cấp chứng chỉ thêm 5.000 ha rừng. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Nghệ An có ít nhất 50.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng.

Trịnh Duy Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm